Thứ Tư, 8 tháng 10, 2008

Khoa Toán - Cơ - Tin học - Nơi tổ ấm tìm về


Thời gian thấm thoắt thế mà đã bảy năm kể từ ngày tôi vào đại học. Tám mươi tư tháng tuy là ngắn ngủi nhưng cũng bằng một phần mười của cuộc đời và thế cũng là đủ để thay đổi số phận một con người. Với tôi, mái trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Khoa Toán - Cơ - Tin học thân yêu chính là nơi đã tạo cho tôi một sự khởi đầu tốt đẹp.
Tôi sinh ra và lớn lên từ một miền quê nghèo thuần túy nông nghiệp nằm ở phía Bắc của Thủ đô. Gia đình tôi có ông nội, bố mẹ, chị gái đầu và ba cậu em trai cách nhau hai năm một. Nhà nghèo và đông em nên hồi nhỏ tôi không được đi học mẫu giáo mà phải ở nhà trông em và khi tôi bắt đầu đi học vỡ lòng thì ông nội mất và từ đó tôi phải nấu cơm để bố mẹ và chị đi làm. Thuở còn chăn trâu cắt cỏ bên lũy tre làng mới học lớp bốn lớp năm gì đó, chiều thứ bảy thả trâu đằm ở hồ nước đầu làng thấy các anh chị đi học ở Hà Nội về đạp xe qua ngõ thích quá, hai mắt cứ sáng long lanh, tối về nằm chõng tre ngắm trăng ở giữa sân lại nói chuyện với bố là sau này con sẽ học đại học. Bố cười bảo con còn bé lắm biết bao giờ mới đến ngày đó, mà ở trong làng này học hết cấp ba đã là tốt rồi, chứ đã có mấy người vào đại học với lại nhà mình nghèo làm gì có tiền mà đi học đại học ở Hà Nội tốn kém lắm, mỗi năm phải mất cả vụ lúa nhà mình. Tôi ngước mắt lên bầu trời nhìn ánh trăng sáng vằng vặc mà nghĩ cổng trường đại học sao mà xa vời vời.
Những năm tháng sau này đi học cấp hai, cấp ba, tuy không có nhiều điều kiện để học tập, nhưng trộm vía các cụ, tôi học càng ngày càng sáng dạ. Vì cùng lúc cả năm chi em đều đi học nên năm lớp mười, bố định hướng cho tôi đi học trường nghề để vừa lấy bằng phổ thông vừa lấy bằng nghề rồi đi làm cho đỡ vất vả nhưng tôi nhất định không chịu. Hết lớp 11, tôi khăn gói ra Hà Nội học thêm và đăng ký thi vào đại học. Mặc dù kết quả không cao nhưng tôi đỗ liền hai trường ngay trong năm đầu. Ngày chú tôi gọi điện từ Hà Nội về thông báo kết quả cả nhà vui khôn siết, mẹ cứ rơm sớm nước mắt. Tôi biết mẹ rất vui nhưng trong lòng đầy lo lắng. Chị gái đã phải nghỉ học rồi lấy chồng sớm, nhà làm hơn mẫu ruộng, bây giờ tôi đi học vừa không có tiền, lại không có người làm, biết xoay sở ra sao. May mắn làm sao nhờ có mọi người trong họ hàng động viên và sự quyết tâm của bố mẹ nên tôi đã được đi học đại học.
Ngày nhập học, mẹ bán hai chum thóc to và phụ thêm tiền bán lợn từ lần trước để dành được chín trăm rưỡi đưa cho hai bố con. Lần đầu đến Ký túc xá Mễ Trì có lẽ sẽ không bao giờ quên được trong cuộc đời. Hôm ấy, trời nắng gắt và oi bức, khó khăn lắm tôi mới chen vào làm được thủ tục nhập học và phải chờ hơn một tuần để xin vào ở nội trú vì tôi không thuộc diện chính sách. Tôi được phân vào lớp A2-K2 Đại cương do Khoa Toán - Cơ - Tin học quản lý. Mọi thứ đều bỡ ngỡ nên phải mất hơn hai tháng, tôi mới quen được cách học ở trường đại học. Tôi rất nóng ruột muốn ổn định nhanh việc học tập để kiếm một việc gì đó đi làm thêm đỡ bố mẹ, nhưng bố mẹ không đồng ý. Mẹ bảo dù phải bán cả gia sản để cho các con ăn học bố mẹ cũng sẵn lòng chứ không bao giờ để các con phải vất vả, lo lắng, ảnh hưởng đến học hành. Tôi nghe lời mẹ tập trung vào học tập học kỳ đầu. Từ vị trí gần cuối danh sách, tôi vượt qua học kỳ đầu tiên suôn sẻ với kết quả khiêm tốn là không có môn thi lại. Tôi cũng bắt đầu kiếm được một địa chỉ gia sư tuần hai buổi ở phố Đội Cấn, chiều thứ Bảy hàng tuần vẫn đạp xe về nhà nhận thêm tiếp tế.
Bước sang học kỳ hai thì biến cố bắt đầu xảy ra. Bố tôi mắc bệnh hiềm nghèo và qua đời. Những ngày tháng đưa bố đi chạy chữa khắp các bệnh viện ở Hà Nội, buổi học, buổi nghỉ, môn thi, môn nghỉ, tôi đã không còn cơ hội để theo kịp các bạn trong lớp. Nhờ sự động viên của các thầy giáo cô giáo như: thầy chủ nhiệm Lê Đình Định, thầy Chủ nhiệm Khoa Đặng Huy Ruận và các cô làm ở Văn phòng Khoa như cô Lan, cô Phương, cô Liên, đặc biệt là nhờ sự động viên liên tục của bạn bè trong lớp, nhất là lớp trưởng Dư Đức Thắng, tôi cứ túc tắc thi theo sau các bạn rồi cũng hoàn thành hết được các môn. Mà hồi ấy còn Đại học Đại cương quản lý, điểm của tôi lại cứ mỗi môn thi mỗi chỗ nên đến hết giai đọan I, vẫn phải đi tìm một số môn bị thất lạc điểm. Tôi đủ điểm để chuyển thẳng vào giai đoạn II nhưng vì phải học lại môn Nhiệt học 2 đơn vị học trình nên phải thi giai đọan. Tôi đăng ký thi vào ngành Toán tin ứng dụng và may mắn nằm trong tốp đứng đầu danh sách trúng tuyển. Lớp tôi có 116 sinh viên do cô Nguyễn Viết Triều Tiên làm chủ nhiệm.
Giai đọan này, tôi đi làm nhiều, kín cả tuần. Tôi gầy hốc hác, lúc ấy chỉ 43,5 kg. Học hết được học kỳ 4, sang học kỳ 5 thì KTX có đại dịch sốt virus, do sức khỏe, lại ăn uống không tốt, tôi dính ngay loạt thứ hai, lại thêm một kỳ sóng gió. Tôi không cho gia đình biết mình bị ốm đơn giản là tôi không muốn mẹ phải lo lắng. Sau khi khỏe lại, tôi bắt đầu đi làm nhiều hơn để phụ cho mẹ vì lúc này tôi vay tiền mua máy tính để học và cả hai em tôi cũng bắt đầu vào cuối cấp. Năm ấy tôi tham gia làm lắp ráp máy tính và trong một lần cầm tiền đi mua máy giúp bạn, tôi đã bị một người bạn khác lừa. Tôi đền cho bạn chiếc máy của tôi nhưng máy của tôi hết bảo hành cũng bị hỏng nên vẫn không thể nào bù đắp hết được. Tôi quyết tâm trung thành với nghề gia sư để vừa xoay sở cuộc sống vừa lấy tiền trả nợ dần. Thời gian này, tôi tham gia công tác Đoàn nhiều, làm Bí thư chi đoàn, Bí thư Liên chi đoàn và dành nhiều thời gian để đọc sách trên thư viện, nhất là các sách về lý luận. Lúc đó, nhiều người đã không ủng hộ tôi hoạt động nhiều vì sợ tôi bị ảnh hưởng đến học tập nhưng tôi thì nghĩ khác, nếu không có quãng thời gian họat động đó, tôi đã không thể vượt qua được những khúc cam go nhất và trưởng thành lên nhiều về nhận thức và kinh nghiệm sống. Nếu nhìn bề ngoài, nhìn giao tiếp, cách sống, cách làm việc thì ai cũng sẽ đoán tôi là người sôi nổi, vô lo, vô nghĩ. Nhờ hoạt động nhiều nên tôi có cơ hội được tiếp xúc nhiều với các thầy cô trong Khoa và trong Trường. Từ đó, tôi bắt đầu hiểu về truyền thống của Khoa của Trường, hiểu được hoàn cảnh và sự vươn lên của các thầy cô trong cả cuộc sống và trong sự nghiệp. Nhiều người làm cho tôi có ấn tượng rất mạnh và cũng là những người có ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của tôi sau này như thầy Đặng Huy Ruận, thầy Hoàng Quốc Toàn, cô Nguyễn Viết Triều Tiên, thầy Phạm Kỳ Anh, thầy Nguyễn Duy Tiến, thầy Nguyễn Hữu Công, thầy Đào Huy Bích, thầy Nguyễn Hữu Ngự, thầy Nguyễn Thủy Thanh, thầy Nguyễn Đức Đạt, thầy Nguyễn Hữu Việt Hưng, …
Năm 2000, sau khi học hết năm thứ tư, tôi may mắn được các thầy tạo điều kiện cho làm trợ lý giúp việc Ban chủ nhiệm Khoa phụ trách công tác sinh viên. Công việc này rất phù hợp với tôi. Đây chính là quãng thời gian có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc đời. Nhờ sự ủng hộ của các thầy trong Ban chủ nhiệm Khoa, nhất là thầy Phạm Kỳ Anh và thầy Phạm Chí Vĩnh, tôi bắt đầu có cơ hội để phát huy được sự cần cù của con nhà nông, khả năng tổ chức của một cán bộ đoàn, và khả năng xoay sở của một cậu sinh viên từng phải vật lộn với cuộc sống. Do số sinh viên trong Khoa rất đông lại nhiều lớp nên đấy cũng là cơ hội rất tốt để tôi phát huy bộ nhớ vốn được đã được tích lũy từ thời “ba vừa”: vừa nấu cơm, vừa trông em, vừa học bài. Việc phải quản lý các sinh viên Khoa Toán vừa thông minh, hiếu động lại mạnh mẽ luôn đặt cho tôi các bài toán không bao giờ đơn giản: Làm sao quản lý được chặt chẽ giờ lên lớp của sinh viên? Làm sao để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Trường với Khoa, giữa Ban chủ nhiệm Khoa với Giáo viên chủ nhiệm, giữa Giáo viên chủ nhiệm với Ban cán sự lớp và giữa Ban cán sự lớp với sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên và các họat động? Làm thế nào để phát huy vai trò của cán bộ trẻ trong công tác sinh viên? Trong thời gian này, bài toán làm thế nào để sinh viên có thể thích ứng được với môi trường xã hội? Làm thế nào để tìm kiếm các cơ hội thực tập và việc làm cũng đòi hỏi chúng tôi liên tục phải suy nghĩ. Tôi đã làm việc hết mình và dành hết tâm huyết để cố gắng giải các bài toán đó và thấy hạnh phúc với lời giải. Đó là sự tin yêu của sinh viên, sự tin tưởng của các thầy và sự trưởng thành của bản thân. Mỗi lần nhìn thấy sinh viên khó khăn, vấp ngã như thấy lại một của phần mình, thấy sinh viên trưởng thành lòng vui khôn siết.
Nhờ sự nghiêm khắc nhưng đầy khích lệ và tin tưởng của các thầy cô trong Khoa, tôi cũng mạnh dạn đề xuất các ý tưởng mới để liên tục đổi mới công tác quản lý sao cho thật hiệu quả. Cho dù cũng có lúc tự bản thân thấy rằng làm việc như thế là chưa thật tốt, chưa thật đáp ứng được với yêu cầu của công việc trong tình hình mới, nhưng bản thân tôi thấy mình đã rất cố gắng và luôn luôn phải gắng. Mỗi lúc hành động, tôi lại nhớ lời dạy của thầy Phạm Kỳ Anh “phải học cách tư duy để có thể t xoay sở khi gặp một bài toán đặt ra trong cuộc sống”, nhớ lời thầy Nguyễn Hững Công dạy “việc gì dù là nhỏ cũng phải làm cho cẩn thận”, nhớ lời dạy của thầy Hoàng Quốc Toàn “làm gì cũng phải đặt cái tâm lên hàng đầu, lời nói thẳng dù khó nghe nhưng hiểu được mới là đáng quý”, nhớ lời thầy Nguyễn Hữu Ngự dạy “học phải nắm cái bản chất, cái gì chưa hiểu, chưa biết thì phải phải hỏi, không được giấu dốt”, nhớ lời thầy Nguyễn Duy Tiến dạy “phải tranh thủ học ở những người biết hơn mình”, nhớ lời dạy của thầy Nguyễn Đức Đạt “phải kiên trì và nhẫn nại rồi sẽ có kết quả”, nhớ lời thầy Đào Huy Bích dạy “Hạnh phúc là sự cố gắng hài hoà trong nhiều mặt”. Mỗi lần nhớ lại thấy lời các thầy dạy đâu đó như vẫn vẳng bên tai. Từ khi vào đại học, vì bố mất sớm, mẹ lại ở quê nên tôi không nhận được nhiều sự dạy dỗ của bố mẹ mà chủ yếu là của các thầy cô. Với tôi, các thầy cô luôn như những người cha, người mẹ thứ hai của mình.
Làm việc ở Khoa gần bốn năm, tôi được chuyển sang làm công tác khác. Tuy bận rộn với các công việc mới, tôi vẫn dành một phần thời gian để tham gia các họat động với Khoa và vẫn gắn bó với các thầy, với sinh viên. Mỗi năm tết đến, những ngày đầu xuân, tôi lại dành những khoảng thời gian và tấm lòng nhỏ bé để đến thăm các thầy cô như thăm những người cha, người mẹ của mình. Mỗi lúc rảnh rỗi lại cùng anh em cán bộ trẻ trong chi đoàn đi đá bóng, đi chơi, trao đổi về chuyên môn, về kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy mới. Với sinh viên vẫn dành những sự quan tâm và tình cảm thân thiết nhất.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Khoa, cho phép em được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự dạy dỗ và động viên của các thầy cô trong Khoa, sự tri ân với tất cả bè bạn cùng các em sinh viên trong suốt những năm qua. Trong trái tim tôi, Khoa Toán - Cơ - Tin học sẽ mãi là tổ ấm để tìm về.
Hà Nội, mùa Thu năm 2006.

Vài kỷ niệm về thầy Võ Đức Tôn

Một sáng tháng Ba, khi chúng tôi đang ngồi trò chuyện tại Phòng Tổ chức Cán bộ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thì thầy Trần Văn Triển - Phòng Sau đại học đến báo tin PGS.TS Võ Đức Tôn, Nguyên bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa mất đêm qua...

Tất cả chúng tôi lặng đi trong xúc động. Bao ký ức về thầy bỗng tràn về quanh tôi. Mới đây thôi, thầy trò còn nắm tay nhau trò chuyện thân tình vậy mà giờ thầy đã vội đi xa. Thương tiếc thầy, trong tôi nhiều suy nghĩ lộn xộn, rồi tự nhủ mình phải làm điều gì đó để vĩnh biệt thầy. Mấy dòng dông dài này, tôi viết để tưởng nhớ đến thầy.

Tôi biết về thầy Võ Đức Tôn khi còn là sinh viên năm thứ Ba, nhưng phải đến năm 2000, tôi mới có cơ hội được tiếp xúc với thầy vì chúng tôi không được học các môn thầy dạy. Đó là khoảng thời gian, tôi công tác tại Khoa Toán - Cơ - Tin học. Khi ấy, tôi là trợ lý phụ trách công tác sinh viên. Thỉnh thoảng thầy đến Khoa hay ghé qua Văn phòng, thầy hay bắt tay và hỏi thăm từng người một. Lần đầu gặp thầy, thầy đã hỏi: “Em đã quen với công việc mới chưa”? Bất ngờ vì sao thầy lại biết mình, tôi liền đánh bạo hỏi: “Em mới ở lại khoa công tác, thầy cũng biết em ạ?” Thầy bảo: “Thầy biết. Trước đây em là Bí thư Liên chi đoàn, thầy còn biết cả hoàn cảnh của em nữa. Phải cố gắng lên em ạ! Các thầy cô trong Khoa rất tốt, nhất là thầy Phạm Kỳ Anh đã tạo điều kiện cho em. Em phải làm tốt mới không phụ lòng các thầy cô...”.

Từ đó, lần nào gặp nhau, hai thầy trò cũng nói chuyện với nhau rất thân tình. Mỗi năm tết đến, tại ngôi nhà nhỏ ở khu tập thể Kim Liên, hai thầy trò cũng tâm sự với nhau rất lâu. Thầy thường kể về thời thanh niên của thầy, về những kỷ niệm thời gian công tác tại Khoa, tại Trường. Rồi thầy nói chuyện về cuộc sống, về những điều trong sách vở. Tôi hợp với thầy một điểm là rất thích đọc sách lý luận, nhất là lý luận Mác - Lênin. ở tuổi ngoài 60 mà sức đọc và sức làm việc của thầy vẫn rất tốt. Thầy hay động viên tôi: “Em có khả năng về lý luận và công tác xã hội nhưng vẫn phải luôn cố gắng và bền bỉ. Mình xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn thì phải cố gắng hơn người khác một chút, phải đọc thật nhiều để mở mang kiến thức cho mình và làm việc tốt hơn. Hồi còn nhỏ, thầy cũng rất vất vả, nhưng được Đảng và Nhà nước quan tâm, thầy đã có nhiều cơ hội để học tập và công tác...”.





Thầy Võ Đức Tôn sinh năm 1940 tại quê hương Xuân Thủy, Lệ Ninh, Quảng Bình trong một gia đình nông dân nghèo có công với cách mạng. Sau những năm tháng học tập cấp 1 - 2 tại Lệ Thủy, thầy được chuyển ra học tiếp tại trường cấp 3 Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh. Tại đây, thầy được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Với kết quả học tập xuất sắc, thầy được Nhà nước cử đi đào tạo tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Odessca thuộc Liên Xô cũ, chuyên ngành Toán học. Đây cũng là thời thanh niên sôi nổi của thầy. Với kết quả học tập xuất sắc và thành tích hoạt động, thầy được bầu là Chi hội trưởng lưu học sinh Việt Nam, được Ban cán sự Đoàn tại Liên Xô tặng danh hiệu Đoàn viên thanh niên Điện Biên - ấp Bắc và được chi bộ công nhận là đối tượng kết nạp Đảng. Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 1966, thầy trở về nước và công tác tại Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1977, thầy được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Odessca - nơi thầy đã học đại học. Hơn 10 năm công tác tại Khoa, thầy đã giữ nhiều trọng trách như: Thư ký Công đoàn khoa (nay gọi là Chủ tịch công đoàn khoa), Chủ nhiệm bộ môn Toán cao cấp. Thầy được kết nạp Đảng ngày 27/11/1977. Năm 1980, thầy đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và lại trở về Khoa Toán công tác.

Trong những năm tháng khó khăn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy đã được giao đảm trách những nhiệm vụ quan trọng: Phó chủ nhiệm Khoa Toán (1981 - 1987), Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ (1988 - 2000), Phó hiệu trưởng Trường ĐHTHHN, được bầu làm Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 1990 - 1992. Năm 1992, thầy vinh dự được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư. Dù ở cương vị nào thầy cũng luôn cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Sau năm 1992, khi thôi không giữ chức vụ quản lý nữa, thầy đi thực tập khoa học và làm việc tại Hungari và Liên bang Nga. Năm 1996, thầy lại trở về Khoa công tác cho đến năm 2003. Những năm gần đây, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng thầy vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy và công tác quản lý tại Trường Đại học Dân lập Đông Đô cho đến ngày thầy mất.

Trong cuộc sống và trong công việc, thầy là người rất nghiêm khắc. Về điều này, tôi có một kỷ niệm rất nhớ. Đó là thầy có 2 người con trai học tại Khoa Toán - Cơ - Tin học là Huy và Tuấn. Thầy không bao giờ để cho các con ỷ lại vào bố. Thầy nói với tôi cứ để các em tự phấn đấu để vươn lên, có như thế mới trưởng thành được, thầy không muốn vì thầy mà ảnh hưởng đến Khoa và không muốn ai nói rằng sự vươn lên của các con nhờ và bố là cán bộ trong trường. Tôi luôn khắc ghi điều đó và vẫn thầm lặng dõi theo những bước đi của 2 em. Nghiêm khắc là thế nhưng bất cứ lúc nào cũng bắt gặp ở thầy nụ cười hiền hậu, cái bắt tay ấm áp, thân tình. Gặp ai có hoàn cảnh khó khăn, thầy cũng hỏi thăm, động viên ân cần. Có người nói rằng cũng chính vì thầy hay thương người nên thầy đã gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Đúng sai thế nào, chỉ có thời gian mới có thể phán xét.

Tang lễ của thầy được Nhà trường và gia đình tổ chức trọng thể. Thầy được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang Định Công (Hà Nội). Rất đông bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò đều có mặt để tổ chức tang lễ và đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn. Vẫn biết sinh - tử là quy luật của muôn đời, song sự ra đi đột ngột của thầy là sự mất mát quá lớn đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các học trò.

Vĩnh biệt thầy! Chúng tôi sẽ mang theo hình ảnh và những lời dạy của thầy trên những chặng đường cuộc sống. Nhớ về thầy, trong tôi như vẳng đâu đây câu hát “Cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi”. Cả cuộc đời cống hiến hết mình rồi nhẹ nhàng ra đi. Thầy đi rồi nhưng sự nghiệp mà thầy đã cống hiến vẫn còn đặt lại cho chúng tôi - lớp người kế tục những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang.

Nhớ thầy Võ Đức Tôn, tôi lại nhớ về những tấm lòng của các thầy cô trong Khoa Toán - Cơ - Tin học như những người cha, người mẹ: thầy Nguyễn Duy Tiến, thầy Đặng Huy Ruận, thầy Phạm Kỳ Anh, thầy Nguyễn Thủy Thanh, thầy Nguyễn Đức Đạt, thầy Lê Đình Định, thầy Hoàng Quốc Toàn, cô Nguyễn Viết Triều Tiên… Những con người bình dị nhưng chứa chan tình nghĩa.

Mái trường sẽ mãi mãi là mái nhà đầm ấm, chở che, là con đò êm ả đưa các thế hệ học trò vượt qua sóng gió, thác ghềnh để tới bến bờ tương lai đầy hy vọng.

Hà Nội, tháng 3 năm 2007.

* Bài viết có sử dụng tư liệu của Trường ĐHKHTN, đặc biệt là điếu văn vĩnh biệt PGS.TS Võ Đức Tôn do PGS.TS Trần Huy Hổ - người đồng đội của PGS.TS Võ Đức Tôn chắp bút.

Trần Văn Dũng [Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 194, ra tháng 4/2007]

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

LỚP 10A, TRƯỜNG PTTH KIM ANH (KHÓA 1993 - 1996) - HÔM QUA VÀ HÔM NAY

-->
Lớp 10A, Khóa 1993-1996, Trường PTTH Kim Anh được thành lập tháng 9/1993 gồm có 50 học sinh, trong đó có 19 Nam và 31 Nữ, tụ hội từ các xã thuộc 2 huyện Sóc Sơn và Mê Linh, do thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng làm chủ nhiệm lớp.
Khi đó, các thầy cô giáo đã tham gia giảng dạy lớp gồm: môn Toán - thấy Dũng, môn Lý - thầy Quyết, môn Hóa- thầy No- thầy Nhận, môn Văn- cô Phúc, môn Sinh- thầy Hội, môn Sử - cô Thuận, môn Địa- thầy Liên, môn Giáo dục công dân- cô Thức, thầy Xình, môn Kỹ thuật Nông nghiệp - thầy Lệ, môn Kỹ thuật Công nghiệp- thầy Vũ, môn Thể dục- thầy Chiểu- thầy Hùng, môn tiếng Anh- cô Trúc, môn vẽ kỹ thuật do thầy Đan dạy.
Ban cán sự lớp ban đầu có bạn Thụy là lớp trưởng, bạn Thủy và bạn Đức là lớp phó. Ban chấp hành chi đoàn ban đầu có bạn Khanh là bí thư, bạn Nguyệt là phó bí thư.
Sau một thời gian học tập, có 10 bạn đã chuyển lớp: 1- Huyền, 2- Thụy, 3- Đức, 4- Quý, 5- Hải, 6- Khanh, 7- Tùng, 8- Long, 9- Nghĩa, (10) -Hứa, có 2 bạn nghỉ học là Chu Văn Đông và Nguyễn Thị Châm. Đến lớp 12 có bạn Tâm chuyển về. Như vậy, tính đến khi tốt nghiệp lớp có 39 bạn. Ban cán sự lớp lúc này có bạn Thủy là lớp trưởng, bạn Hằng và bạn Trần Dũng là lớp phó. Ban chấp hành chi đoàn có bạn Nguyệt là bí thư, bạn Trần Dũng là phó bí thư.
Có thể nói rằng, ngay từ những ngày đầu tập trung học quân sự, mặc dù tụ hội từ các khu vực khác nhau, hoàn cảnh khác nhau và cả tính cách cũng khác nhau nhưng lớp đã sớm làm quen với nhau và ổn định việc học tập, dần dần đi vào nề nếp. Do là lớp chọn nên lớp cũng được nhà trường ưu tiên ít nhiều nên hầu hết đều là các thầy cô giáo giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm giảng dạy. Tuy nhiên, do nền tảng kiến thức cấp 2 không đồng đều, điều kiện học tập cũng khác nên một số bạn khá chật vật với tốc độ học tập chung của lớp, ví dụ ở các môn Toán, Lý, Hóa và tiếng Anh. Những ngọn cờ đầu dẫn dắt phong trào học tập của lớp phải kể đến Khanh, Hứa, Long, Hồng Phúc, Thụy, Thủy, Hằng, Phương-Liên, … về sau có thêm một số bạn khác.
Phong trào học tập của lớp trong 3 năm khá thuận lợi những cũng có những lúc thăng trầm, nhất là khi nhiều bạn chuyển lớp đi nơi khác, đã có lúc tinh thần không khỏi xao động xen lẫn những lo lắng. Phải mất gần một học kỳ lớp mới ổn định trở lại. Việc học thêm cũng được tổ chức lại: nhóm học ở trường, nhóm tự tổ chức lớp ở Tân Dân, nhóm đi học ở Xuân Hòa, nhóm học ở Phúc Yên, nhóm học ở Hà Nội, một số bạn không có điều kiện phải tự học ở nhà. Cho đến lớp 12 thì mọi việc đã thực sự ổn định. Việc chia khối đã được hình thành từ lớp 10 và lớp 11 nên đến lớp 12, việc học theo khối đã rõ ràng là đa số học khối A, chỉ có một số học khối B, C và D.
Năm đầu tiên thi có 16 bạn đỗ đại học và cao đẳng, đến các năm sau, số còn lại hầu như cũng đỗ hết, chỉ còn vài bạn là không thi tiếp sau này mới thi hoặc nghỉ làm việc khác. Một số bạn đang học thêm 1 bằng đại học và học tiếp ở bậc cao học. Hiện nay công việc của các bạn trong lớp hầu như đã ổn định, 31 bạn đã lập gia đình và có con. Cuộc sống bước đầu tạm ổn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Xin kể cụ thể hơn về phong trào học tập và sự dạy dỗ của các thầy cô giáo:
Vì là lớp A đa số học được Toán, Lý, Hóa nên kết quả học tập của các môn này thường khá tốt và tiến bộ theo từng học kỳ. Gay go nhất với lớp là môn Văn rồi đến một số môn khác như: tiếng Anh, Sử, Địa, … Các bạn nữ thường chăm học và có kết quả tốt hơn các bạn nam.
Môn Toán được thầy giáo chủ nhiệm trực tiếp dạy. Dưới sự dẫn dắt của thầy, lớp học Toán nhưng lại được hoàn thiện khá nhiều về văn. Phương pháp dạy của thầy dễ hiểu và luôn gợi mở cho học sinh, giúp học sinh tư duy một cách mạch lạc, trình bày thật ngắn gọn và sáng sủa. Thầy có những cách ví von rất ngộ nghĩnh như “anh chàng này”, “cô nàng khia” nên các phép vốn rất khô khan bỗng trở lên lãng mạn và hấp dẫn. Có một điều khiến lớp yêu quý thầy hơn là thầy ít khi nói nặng lời, nhẹ nhàng nhưng rất nghiêm khắc, thầy muốn các học trò của thầy tự ý thức và xử sự như người lớn. Ngay cả khi trong lớp có các bạn xích mích mới lớp khác, thầy cũng chỉ nói rằng “các em ạ, đánh người ta làm gì, không đánh rồi sau già người ta cũng phải chết”, thực ra thầy đã dạy các em phải biết tha thứ, sống phải biết vị tha và yêu thương bè bạn. Ngày chia tay, thầy không dặn dò nhiều, chỉ đọc 2 câu thơ đầy xúc động của Chế Lan Viên:
Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.
Thầy là thế nhẹ nhàng, tình cảm, ân cần và sâu sắc.
Môn học thứ hai là môn Vật lý. Môn này do thầy Quyết dạy. Thầy gầy nhưng giọng luôn sang sảng. Lớp biết gia đình thầy rất vất vả nhưng khi lên lớp thầy luôn tươi cười và nhiệt tình giảng dạy. Môn của thầy lúc nào cũng sôi nổi. Các bạn đua nhau lên lớp chữa bài tập. Có hôm hăng quá tranh luận làm hết cả giờ giải lao của thầy. Nhà thầy xa tận trong dốc dây Diều nhưng có hôm không có chiếc Babetta, thầy vẫn đạp chiếc xe Phượng Hoàng đến lớp dạy rất đúng giờ.
Môn Hóa do thầy No giảng dạy, lớp 11 thầy Nhận có dạy cho lớp một thời gian nhưng chủ yếu vẫn là thầy No. Từ khi chưa vào trường, đa số mọi người trong lớp đều đã nghe danh thầy học Hóa tổng hợp ra dạy rất siêu và có anh con trai cũng học Tổng hợp rất giỏi. Đặc biệt lúc đầu nghe giọng nói miền Trung đầy ấn tượng của thầy, dưới lớp một số cứ bắt trước nhưng không được. Thầy rất hóm hỉnh, đứng trên bục giảng say sưa như một nghệ sĩ thôi miên đám học trò. Các bài tập nâng cao của thầy luôn khiến học trò phải suy nghĩ thật cẩn thận, chắc chắn mới dám trả lời. Có những bài khó được trình bày cách giải luôn được thầy góp ý để hoàn thiện hơn. Thầy luôn yêu cầu khá cao ở học trò, có lẽ chính vì thế mà các bạn có một phần hơn sợ nhưng lại rất cố gắng ở môn Hóa và kết quả là chất lượng học tập môn Hóa đến lớp 12 đã tiến bộ vượt bậc. Thầy luôn tâm niệm thầy giỏi thì phải dạy được trò giỏi hơn thầy, “thầy là chiếc gương để trò soi vào và khi chiếc gương của của thầy mờ đi thì gương học trò phải sáng lên”.
Môn mà các bạn sợ nhất là môn Văn. Mặc dù có một số bạn cũng rất yêu môn Văn nhưng phải nói rằng cứ đến giờ kiểm tra miệng môn Văn thì hầu như lớp nhìn xuống vì sợ bị cô Phúc gọi lên bảng. Những giờ trả bài môn Văn cũng nhiều trận cười nghiêng ngả sau khi cô Phúc đọc 1 số câu trong bài làm của các bạn, và cũng chính vì thế mà một số bạn đã không được học sinh tiên tiến và học sinh giỏi vì môn này. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, nhờ sự dạy dỗ rất nghiêm khắc và nhiệt tình của cô Phúc mà đến hôm nay, nhiều bạn trong lớp có khả năng viết rất tốt. Ngày xưa ấy, chắc có nhiều lúc lớp làm cô rất giận nhưng sau này, lớp rất nhớ cô, thường nhắc đến cô và thấy rằng nếu khi ấy cô không cho điểm thấp và nghiêm khắc thì có một số bạn đã nhận thức sai lầm về môn học và trở thành người tự phụ với khối học lệch của mình. Lớp đã trưởng thành lên rất nhiều từ môn Văn.
Môn Sinh do thầy Hội dạy cả 3 năm. Thầy có đặc điểm rất khắc khổ, nhà thầy rất khó khăn, con nhỏ, thầy hay ốm nhưng rất tận tâm tận lực với lớp. Có nhiều bạn học tốt môn Sinh của thầy nhưng chỉ tiếc là chưa giành được giải trong các kỳ thi học sinh giỏi. Lớp rất tích cực học môn của thầy nhưng có lần lớp đã trốn giờ học của thầy đi hát karaoke làm thầy rất giận rồi thầy cũng tha thứ. Ngày thầy ốm nặng và đi xa, lớp không biết để về thăm và tiễn đưa thầy nhưng trong trái tim mỗi học sinh trong lớp và các thế hệ luôn nhớ đến thầy.
Môn Sử do cô Thuận dạy. Cô dẫn dắt chuyện rất hay, bài hôm nay bao giờ cũng bắt đầu từ bài hôm trước. Cô hay khuyến khích lớp phát biểu và cho điểm miệng ngay trên lớp nên lớp rất hứng thú. Một điểm khác làm cho lớp rất nhớ là cô rất tâm lý, biết thay đổi không khí học tập của lớp nên có hôm học tiết cuối là môn của cô lớp vẫn rất chăm chú nghe giảng.
Môn Địa do thầy Liên dạy. Thầy dạy rất ngắn gọn dễ hiểu, đặc biệt thầy rất nghiêm khắc trong thi cử nên lớp rất sợ và luôn làm bài nghiêm túc. Biết học trò khó nhớ nên thầy luôn đặt phép so sánh giữa vùng này với vùng kia, mùa này với mùa kia, nước này với nước kia, hay cách thầy hỏi tại sao lại thế này mà lại thế kia và luôn tóm tắt từng bài để học trò dễ hiểu hơn và nhớ lâu hơn.
Môn Kỹ thuật Nông nghiệp do thầy Lệ dạy. Thầy nhỏ người và đeo cặp kính dày nên lớp hay trêu thầy. Thầy dạy rất hay và hay lấy những ví dụ sát thực với cuộc sống. Thầy có cách ra đề thi và chấm thi rất ngắn gọn, xúc tích, không phải viết nhiều và cốt ở đúng ý và phải đầy đủ. Học môn của thầy giúp học sinh biết cách tổng kết kiến thức và trình bày ngắn gọn, mạch lạc.
Môn Kỹ thuật công nghiệp do thầy Vũ dạy. Bài giảng của thầy thường có những ví dụ minh họa mang tính thời sự cao như với bài các loại động cơ đốt trong, động cơ 2 kỳ, 4 kỳ thầy dùng những tính từ mạnh như “phóng tẹt ga”, “máy khỏe”, “chạy êm”, đặc biệt thầy có chiếc môkích thỉnh thoảng phải đẩy. Các em mến mộ nên thỉnh thoảng đẩy xe hộ thầy và ríu rít mỗi khi gặp thầy ở trường hay trên đường. Do có sự hiểu lầm nên một số bạn nữ suýt “ăn củ đậu biêu đầu” nhưng mắn mắn là không sao. Vui thật.
Với môn Giáo dục công dân của cô thức, điều dễ nhất và cũng khó khăn nhất với lớp là phải lấy ví dụ trong thực tế. Cô giảng khá sâu về nội dung và khi kiểm tra đòi hỏi học sinh phải có những vận dụng vào thực tế. Đây là phương pháp dạy và học hiện đại mà về sau này ai vào học ở bậc đại học, cao đẳng có thể cảm thụ được rất rõ. Đến năm lớp 12, lớp được thầy Xình dạy. Thầy có chất giọng thanh mảnh, lúc trầm, lúc bổng như kể chuyện. Các vấn đề cả về Lịch sử cả về Giáo dục công dân được thầy nêu và phân tích như một chuyên gia chính trị. Đứng trên bục giảng, thầy hiểu các bạn trong lớp nghĩ gì, thầy dẫn chuyện, đứa nào cũng chăm chú rồi lại phá lên cười mỗi khi thầy pha trò. Học giờ của thầy không thấy khô khan mà rất thoải mái.
Học lần đầu môn tiếng Anh là phải đánh vật với việc đánh vần. Lúc đầu chép chính tả và phát âm sao mà khó thế. Học như học vẹt. Bài kiểm tra 15 phút đầu tiên rất kém. Nhưng sau một thời gian, dưới sự dạy dỗ nhiệt tình của cô Trúc, tình hình đã khá hơn rất nhiều. Chỉ tiếc rằng đến lớp 12 lớp không còn học chính thức môn này nữa, chỉ còn lại một số bạn học khối D và một số bạn yêu thích học môn của cô.
Môn thể dục lớp 10 do thầy Chiểu dạy, đến lớp 11 và lớp 12 thầy Chiểu chuyển trường thì thầy Hùng dạy thay. Thầy mới ra trường, chưa vợ, rất vui tính và nhiệt tình. Lớp vẫn nhớ mãi giọng nói của thầy khi gọi tên học sinh phải kéo thật dài “cô …. này, cậu …. kia”.
Người thầy cuối cùng được nhắc đến trong những dòng ký ức này đó là thầy Đan dạy môn vẽ kỹ thuật. Thầy chỉ dạy lớp 1 học kỳ và chuyển trường. Chúng tôi không còn nhớ nhiều về thầy nhưng vẫn nhớ thầy đẹp trai và đeo cặp kính cận, hay cười.
Biết bao nhiêu chuyện về học tập và về các thầy cô, kể bao nhiêu cũng không xuể nhưng chỉ xin kể dông dài mấy suy nghĩ và những kỷ niệm đẹp nhất về các thầy cô. Thời gian đã trôi qua, học sinh xưa giờ đã lớn, nếu có điều gì chúng em đã làm các thầy giận thì nay cũng xin các thầy lượng thứ. Trong trái tim mỗi học trò chỉ còn lưu lại những kỷ niệm đẹp nhất về mái trường và lòng biết ơn đối với các thầy cô.
Các hoạt động khác như: văn hóa, văn nghệ, thể thao, dã ngoại, ….
Suốt 3 năm học, phong trào thể thao nhất là bóng đá nam diễn ra rất sôi nổi và duy trì thường xuyên. Lớp thường giao hữu với các lớp cùng khối ở các sân trường công nhân, sân trường điện, sân đường sắt. Do các cầu thủ đội nhà hơi còi xương một tí, nên khi xuất trận, sau phần mở đầu khoe xương hoành tráng, các cầu thủ của ta thường thở hắt ra. Dù rất ít thắng trận nhưng không khí rất vui vẻ. Có kỷ niệm vui nhất là lần lớp đá với lớp 10D, Đức ta đang ốm, nổi mần đay đầy người nhưng sau khi trốn đi đá bóng về thì cũng khỏi luôn. Thật là 1 phen hú vía.
Môn không thể không kể đến của lớp là cầu lông. Với cặp Nguyệt-Hương, Khanh-Đức cùng với đội cổ động viên hùng hổ, mồm to hơn cả người, quân ta từng làm cho các đối thủ khiếp vía. Thế mới biết tiêu càng nhỏ càng cay.
Cứ vào mỗi dịp 10/11 và Tết lớp thường tổ chức đến thăm các thầy cô giáo và thăm nhà nhau rồng rắn rất vui. Ra đầu xuân lại tổ chức đi đền Sóc chơi lại ghé qua nhà bạn Tí có hồ Đồng Quan chơi thường xuyên. Có hôm chẳng có chuyện gì cũng trốn nhà rủ nhau đi chơi chỉ vì ham vui. Năm lớp 11 vui nhất là ngày 31/3 lớp được thầy giáo chủ nhiệm và hội phụ huynh học sinh tổ chức cho đi chơi Tây Thiên. Chuyến đi rất đông vui và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp hay năm lớp 12 lớp vào tận trường Sư phạm II lấy cành hoa giấy mang về trường trống, nhưng than ôi: “Hoan hô các bạn trồng cây, mười cây chết chín một cây gật gù”. Đúng là “chỉ còn một chiếc lá cuối thu mỏng manh”.
Lớp cũng có rất nhiều tài. Còn nhớ năm lớp 12 trong lần thi học sinh thanh lịch bạn Thủy với câu trả lời dễ thương và phần cắm hoa toàn rơm đã giành được giải nhì. Trong liên hoan văn nghệ, bạn Thu Hiền cũng giành được giải nhì với bài hát tràn “Người về thăm quê” đầy xúc động, khán giả nghe sởn cả gai ốc. Phong trào văn nghệ của lớp cũng rất sôi nổi, Nhân dịp 8/3 hàng năm các bạn tha hồ được trổ tài.
Lớp sống rất tình cảm, lớp 12Ăn cũng có nhiều chuyện để kể. Cho đến nay vẫn có những trận phá hoại vườn tược chưa được công bố như những trận đả kích “dái mít” nhà bạn Dung, trận oanh tạc “giàn nhót” nhà Ngô Đông, trận giật gốc táo nhà Khanh hay “đánh những trận sạch không quả táo” nhà Đường Đông. Chắc chắn lớp sẽ không bao giờ quên cả những khi thăm các bạn ốm như lần đi thăm bạn Hòa, bạn Quảng, bạn Hạnh, …. Sau này khi đã ra trường rồi lớp vẫn thường xuyên gặp lại nhau, thăm hỏi nhau và động viên nhau những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Lớp cũng đã tổ chức được 2 lần họp mặt vào các năm 2002, 2004.
Qua 3 năm học tập dưới mái nhà Kim Anh, lớp chúng ta đã biến những tên riêng trong các tác phẩm thành những tên có thật bên ngoài cuộc sống như: Khanh kều, Đông John, Đông to, Hứa gậy gộc, Long tiên sinh, Hiển cót, Huyến khờ, Hà lý, Nguyệt phắn, Hương nhà tạo mốt thời trang, Hòa quan tây, Hưng chí phèo, Phúc nhà thơ, Phúc hòa thượng, Hiền béo, Hiền mô tơ, Nghĩa cá trê, Thăng pakitô, Thiết cu tõm, Thoa ếch chi ma, Việt vịt, Xuân tóc đỏ, Tâm trâu điên, … Dù có bạn thích hay không thích khi ấy thì giờ đây cũng đã là chuyện của ngày hôm qua.
Từ ngày vào trường, đến nay đã 13 năm, từ khi tốt nghiệp đến nay thấm thoắt cũng đã 10 năm. Có biết bao chuyện để kể, có chuyện nhớ, có chuyện đã quên nhưng chúng ta sẽ còn tiếp tục cùng với nhau ôn lại những kỷ niệm ở những câu chuyện sau này để lớp 10A sẽ mãi mãi bên nhau.
Cuối cùng xin trân trọng cảm ơn các thầy cô giáo đã bớt chút thời gian tới dự với lớp, xin kính chúc sức khỏe và hạnh phúc đến các thầy cô và gia đình, chúc các bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt hơn nữa trong cuộc sống.
Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2006

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2008

HÃY CHUNG TAY THẮP SÁNG ƯỚC MƠ CỦA CHÀNG TRAI LIỆT CẢ HAI CHÂN GIỎI TOÁN

 

HÃY CHUNG TAY THẮP SÁNG ƯỚC MƠ CỦA CHÀNG TRAI LIỆT CẢ HAI CHÂN GIỎI TOÁN

 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Nho Quan - Ninh Bình, từ bẩm sinh, Vũ Đức Sơn liệt cả hai chân. Hoàn cảnh quá éo le. Từ khi còn nhỏ, bố đã bỏ 2 mẹ con Sơn đi đâu biệt tích. Sau này, có người kể rằng ông đã đi lấy vợ khác và sinh sống ở một nơi rất xa xôi. Rồi mẹ lại đi bước nữa, bỏ lại Sơn bơ vơ với bà ngoại già yếu. Lớn lên trong tình yêu thương của bà ngoại và làng xóm, cậu bé Sơn lại rất thông minh. Từ khi mới đi học, cậu đã tỏ ra có năng khiếu các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Toán. Suốt những năm học cấp 1, cấp 2, cậu đều đạt học sinh giỏi và trở thành học sinh lớp chuyên Toán của trường Trung học phổ thông Lương Văn Tụy - Ninh Bình. Trong những năm tháng ấy, với tình yêu thương vô bờ bến của bà ngoại, thầy cô và các bạn, Sơn luôn học giỏi và thành viên của đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán. Trên các trang báo Toán học tuổi trẻ, cái tên Vũ Đức Sơn đã trở nên quen thuộc với nhiều bạn trẻ yêu Toán.

Với những kết quả học tập xuất sắc, năm 1996 Sơn thi đỗ vào ngành Toán của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN. Những năm tháng dưới mái trường đại học, xa gia đình, Sơn càng gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ sự đùm bọc của bạn bè, thầy cô và những người xung quanh đã tiếp thêm nghị lực cho Sơn vượt qua gian khó. Những chiếc xe đạp của các bạn cùng phòng trong kí túc xá ngày ngày chở những ước mơ của Sơn và những khát vọng ngày càng bay xa. Mong ước của Sơn là sau này sẽ trở thành một nhà nghiên cứu, một thầy giáo dạy Toán cho các thế hệ học trò nhỏ.

Cuộc sống yên bình tưởng chừng như thuận buồm xuôi gió. Thế rồi một ngày Sơn bị ốm nặng, không đi học được. Không thi kịp bạn bè và cuộc sống khó khăn, cứ đầy Sơn lùi dần so với các bạn. Bạn bè ngày ra trường mỗi đứa một phương, mỗi người một việc. Còn Sơn bơ vơ không biết đi đâu về đâu.

Bao năm tháng mệt nhoài kiếm kế sinh nhai, vất vả lắm Sơn mới tìm được một công việc mà mình đã theo đuổi là dạy Toán cho lũ trò nhỏ. Không đi lại được, nhưng Sơn luôn vượt mọi khó khăn, truyền thụ hết cho các học trò những bài Toán khó, những phương pháp giải hay. Biết thầy Sơn không đi lại được nên lớp lớp học trò vẫn tự tìm đến thầy “tầm sư học đạo”. Dưới căn phòng chật hẹp 391 Lương Thế Vinh, các học trò của thầy Sơn cứ lần lượt trưởng thành. Ngoài giờ làm việc, Sơn còn dành thời gian để viết sách. Cuốn sách đầu tay viết về phương pháp tư duy Toán học phổ thông Sơn mong muốn sẽ sớm được xuất bản trong năm tới.

Rồi tai họa lại ập đến với cậu. Trong một lần về thăm quê, cậu được tin mẹ bị tai nạn rạn xương cột sống, phải nằm liệt ở bệnh viện. Vậy là số tiền nhỏ bé cậu dành dụm được, Sơn lại dồn hết để chữa bệnh cho mẹ. Cùng lúc ấy, lớp học sinh của cậu cũng vừa thi xong đại học thế là cậu lại bị đẩy vào tình cảnh khốn khó. Dù trong hoàn cảnh như vậy nhưng cậu vẫn khát khao sẽ trụ nghề dạy học và nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu Toán học và mong muốn tự lập trong cuộc sống của mình.

Hiện nay, Sơn đang rất khó khăn. Dù Sơn không muốn phiền người khác nhưng tôi vẫn viết bài này mong mọi người hãy giang rộng vòng tay giúp đỡ Sơn bằng cách giới thiệu con, em mình đến số nhà 391 - Lương Thế Vinh đăng ký học Toán. Thông tin liên hệ xin gửi về Vũ Đức Sơn - Số nhà 391 - Lương Thế Vinh - Thanh Xuân - Hà Nội. Số điện thoại: 0979672552.

 

Sóng Hồng, 6/8/2008

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2008

Kinh hoàng 5 ngày mưa lũ


-->
Rạng sáng ngày 31/10/2008
Biết đêm mưa quá to, cả nhà ngủ dậy sớm, mở cửa, một cảm giác kinh hoàng: nước ngập sát mép sàn nhà. Ngoài trời mưa vẫn to. Con chó kinh hoàng vì bị ngập hết chỗ ngũ, ngâm nước suốt đêm, kêu ăng ẳng, lao thẳng vào trong nhà.
Trước đây, những trận mưa nội thành bị ngập nhưng chưa bao giờ có chuyện nước mưa nổi mặt đường đi. Vậy mà bây giờ !!!
Sơ tán đồ đạc ngay !!! Tôi đưa ra một quyết định nhanh chóng.
Việc đầu tiên là dán băng dính vào các ổ điện và kê cao các đồ điện trước sau đó đến lượt di chuyển sách vở ở ngăn thấp các tủ. Quá nhiều sách, chất đầy cũi của thằng Cún mà không hết, số còn lại để hết lên nóc tủ. Bước tiếp theo là kê cao các đồ gỗ, đặc biệt là giường ngủ. Duy chỉ có cái tủ quần áo nặng quá không thể nào kê được.
Be bờ cửa!!! Một quyết định tiếp theo được đưa ra.
Một mặt mẹ thằng cún vẫn chuyển đồ đạc lên cao, ném toàn bộ các bao tải và nilong để bọc mặt ngoài cửa, ván giường ốp mặt ngoài, ghạch bốc vào. Trời ! May sao bà ngoại lại vừa mua gạch chưa kịp xây nhà không thì biết lấy đâu ra để kê cho bao nhiêu thứ trong nhà. Không ổn, nước vẫn tiếp tục tràn vào.
Tát nước ra để cứu đồ gỗ !!!
Người trong nhà cứ xếp đồ đạc, ngoài cứ tát. Nhà rộng gần 34m2, cứ ngập 10cm là hơn 3m3 nước. Tát hai tay, tát tay phải, tát tay trái, tát bằng xô, tát bằng gàu hót rác, tát bằng nắp xô, vớ được cái gì là tát.
Thằng cún thì khoái chí cứ nhìn ra ngoài hiên nước ngập mênh mông.
Tát nước, chạy đồ lên gác xép, loáng 1 cái đã xế chiều.
Trời tiếp tục mưa, nước tiếp tục dâng. Tiếp theo phương án thế nào.
Bà ngoại hỏi: Ga còn không? Ga mới thay. Gạo còn không? Gạo bà nội mới mang cho 10kg. Thực phẩm còn không? Hết. Rau còn không? Hết. Nến còn không? Chỉ còn 2 chiếc. Nước sinh hoạt thế nào? Chỉ còn 1 bể, mất điện, không bơm nước.
Lập tức tôi lệnh cho chú Nên và cậu Chính chạy đi mua rau và nến để giải quyết những dự trữ trước mắt. Tin bên cậu Chính báo về bên ấy ngập đã thiệt hại 1 Laptop của chú Hiển và 1 destop của chú Nên. Máy cậu Chính may là để trong túi nên nổi bềnh bồng chỉ ướt đáy, toàn bộ sàn phòng máy tính bị ngập.
Chạy đồ, tát nước 1 hồi trời đã tối, ai cũng thấm mệt. Cả nhà kéo nhau ăn tối, người đứng, người ngồi ăn cho xong bữa. Mặc kệ sàn nhà bì bõm nước. Cứ đi ngủ cái đã, mai tính tiếp.
Sáng 1/11/2008
Mưa vẫn to, nước vẫn dâng. Sàn ngập, đường đi nước đến cạp quần.
Di chuyển đồ điện !!! Quyết định tiếp theo được đưa ra
Xung quanh hàng xóm quây lại giúp mỗi người 1 tay di chuyển tủ lạnh, máy giặt, ti vi, quạt điện. Tất cả diễn ra trong giây lát.
Nước vẫn tràn vào nhà, nước sinh hoạt vẫn vơi dần, rác thải vẫn tăng, nhiên liệu và lương thực thực phẩm cũng vơi dần.
Di chuyển 2 mẹ con về nhà bà ngoại !!! Quyết định tiếp theo được đưa ra.
Gọi taxi không được. Không có xe nào chịu vào cả, tổng đài từ chối. Xe máy không di chuyển được. Lấy xe bò đặt ván lên bê ra. Khẩn trương di chuyển người ra ngoài. Không đi được đường chính thì làm thế nào? Chuyển qua đường tắt, lội ra ngoài, vượt nước mà đi. Xe máy qua đoạn ngập sâu nhất không chết máy, qua bờ ao thì tắc tịt. Chú Nên đi thám thính lắc đầu, không đi được anh ạ.
Nhất định phải có phương án, cứ di chuyển người ra cái đã. Vượt qua ao An Thái, chợt thấy 1 chú taxi quay đầu, tôi gọi với không được. Cậu Tuấn đuổi theo ra đầu Dao Quang bảo xe quay lại. Người vừa ra, may thay chú taxi chịu quay đầu. Ba bà cháu lên xe ra Mỹ Đình, đường Láng - Hòa Lạc nước ngập mênh mông. Ra đến bến bà bắt được xe về Lạng Sơn trước, 2 mẹ con chờ mấy tiếng mới có xe về Hải Dương.
Ở nhà không điện thoại. Thực sự giờ mới là ốc đảo. Chiều mẹ thằng cún gọi điện qua nhà bà Thưng báo là đã về đến nhà. Thở phào nhẹ nhõm.
Tát nước, tát nước, lại tát nước, đồ cứu trợ tiếp tục chuyển vào. Bóng tối, mưa, tiếng tí tách, tiếng thở, tiếng kim đồng hồ tí tách, ..
4 ngày trôi qua. Sau 5 ngày trong nhà tôi quyết định vượt ra ngoài trong nước ngập mênh mông.
Còn tiếp