Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

LỚP 10A, TRƯỜNG PTTH KIM ANH (KHÓA 1993 - 1996) - HÔM QUA VÀ HÔM NAY

-->
Lớp 10A, Khóa 1993-1996, Trường PTTH Kim Anh được thành lập tháng 9/1993 gồm có 50 học sinh, trong đó có 19 Nam và 31 Nữ, tụ hội từ các xã thuộc 2 huyện Sóc Sơn và Mê Linh, do thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng làm chủ nhiệm lớp.
Khi đó, các thầy cô giáo đã tham gia giảng dạy lớp gồm: môn Toán - thấy Dũng, môn Lý - thầy Quyết, môn Hóa- thầy No- thầy Nhận, môn Văn- cô Phúc, môn Sinh- thầy Hội, môn Sử - cô Thuận, môn Địa- thầy Liên, môn Giáo dục công dân- cô Thức, thầy Xình, môn Kỹ thuật Nông nghiệp - thầy Lệ, môn Kỹ thuật Công nghiệp- thầy Vũ, môn Thể dục- thầy Chiểu- thầy Hùng, môn tiếng Anh- cô Trúc, môn vẽ kỹ thuật do thầy Đan dạy.
Ban cán sự lớp ban đầu có bạn Thụy là lớp trưởng, bạn Thủy và bạn Đức là lớp phó. Ban chấp hành chi đoàn ban đầu có bạn Khanh là bí thư, bạn Nguyệt là phó bí thư.
Sau một thời gian học tập, có 10 bạn đã chuyển lớp: 1- Huyền, 2- Thụy, 3- Đức, 4- Quý, 5- Hải, 6- Khanh, 7- Tùng, 8- Long, 9- Nghĩa, (10) -Hứa, có 2 bạn nghỉ học là Chu Văn Đông và Nguyễn Thị Châm. Đến lớp 12 có bạn Tâm chuyển về. Như vậy, tính đến khi tốt nghiệp lớp có 39 bạn. Ban cán sự lớp lúc này có bạn Thủy là lớp trưởng, bạn Hằng và bạn Trần Dũng là lớp phó. Ban chấp hành chi đoàn có bạn Nguyệt là bí thư, bạn Trần Dũng là phó bí thư.
Có thể nói rằng, ngay từ những ngày đầu tập trung học quân sự, mặc dù tụ hội từ các khu vực khác nhau, hoàn cảnh khác nhau và cả tính cách cũng khác nhau nhưng lớp đã sớm làm quen với nhau và ổn định việc học tập, dần dần đi vào nề nếp. Do là lớp chọn nên lớp cũng được nhà trường ưu tiên ít nhiều nên hầu hết đều là các thầy cô giáo giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm giảng dạy. Tuy nhiên, do nền tảng kiến thức cấp 2 không đồng đều, điều kiện học tập cũng khác nên một số bạn khá chật vật với tốc độ học tập chung của lớp, ví dụ ở các môn Toán, Lý, Hóa và tiếng Anh. Những ngọn cờ đầu dẫn dắt phong trào học tập của lớp phải kể đến Khanh, Hứa, Long, Hồng Phúc, Thụy, Thủy, Hằng, Phương-Liên, … về sau có thêm một số bạn khác.
Phong trào học tập của lớp trong 3 năm khá thuận lợi những cũng có những lúc thăng trầm, nhất là khi nhiều bạn chuyển lớp đi nơi khác, đã có lúc tinh thần không khỏi xao động xen lẫn những lo lắng. Phải mất gần một học kỳ lớp mới ổn định trở lại. Việc học thêm cũng được tổ chức lại: nhóm học ở trường, nhóm tự tổ chức lớp ở Tân Dân, nhóm đi học ở Xuân Hòa, nhóm học ở Phúc Yên, nhóm học ở Hà Nội, một số bạn không có điều kiện phải tự học ở nhà. Cho đến lớp 12 thì mọi việc đã thực sự ổn định. Việc chia khối đã được hình thành từ lớp 10 và lớp 11 nên đến lớp 12, việc học theo khối đã rõ ràng là đa số học khối A, chỉ có một số học khối B, C và D.
Năm đầu tiên thi có 16 bạn đỗ đại học và cao đẳng, đến các năm sau, số còn lại hầu như cũng đỗ hết, chỉ còn vài bạn là không thi tiếp sau này mới thi hoặc nghỉ làm việc khác. Một số bạn đang học thêm 1 bằng đại học và học tiếp ở bậc cao học. Hiện nay công việc của các bạn trong lớp hầu như đã ổn định, 31 bạn đã lập gia đình và có con. Cuộc sống bước đầu tạm ổn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Xin kể cụ thể hơn về phong trào học tập và sự dạy dỗ của các thầy cô giáo:
Vì là lớp A đa số học được Toán, Lý, Hóa nên kết quả học tập của các môn này thường khá tốt và tiến bộ theo từng học kỳ. Gay go nhất với lớp là môn Văn rồi đến một số môn khác như: tiếng Anh, Sử, Địa, … Các bạn nữ thường chăm học và có kết quả tốt hơn các bạn nam.
Môn Toán được thầy giáo chủ nhiệm trực tiếp dạy. Dưới sự dẫn dắt của thầy, lớp học Toán nhưng lại được hoàn thiện khá nhiều về văn. Phương pháp dạy của thầy dễ hiểu và luôn gợi mở cho học sinh, giúp học sinh tư duy một cách mạch lạc, trình bày thật ngắn gọn và sáng sủa. Thầy có những cách ví von rất ngộ nghĩnh như “anh chàng này”, “cô nàng khia” nên các phép vốn rất khô khan bỗng trở lên lãng mạn và hấp dẫn. Có một điều khiến lớp yêu quý thầy hơn là thầy ít khi nói nặng lời, nhẹ nhàng nhưng rất nghiêm khắc, thầy muốn các học trò của thầy tự ý thức và xử sự như người lớn. Ngay cả khi trong lớp có các bạn xích mích mới lớp khác, thầy cũng chỉ nói rằng “các em ạ, đánh người ta làm gì, không đánh rồi sau già người ta cũng phải chết”, thực ra thầy đã dạy các em phải biết tha thứ, sống phải biết vị tha và yêu thương bè bạn. Ngày chia tay, thầy không dặn dò nhiều, chỉ đọc 2 câu thơ đầy xúc động của Chế Lan Viên:
Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.
Thầy là thế nhẹ nhàng, tình cảm, ân cần và sâu sắc.
Môn học thứ hai là môn Vật lý. Môn này do thầy Quyết dạy. Thầy gầy nhưng giọng luôn sang sảng. Lớp biết gia đình thầy rất vất vả nhưng khi lên lớp thầy luôn tươi cười và nhiệt tình giảng dạy. Môn của thầy lúc nào cũng sôi nổi. Các bạn đua nhau lên lớp chữa bài tập. Có hôm hăng quá tranh luận làm hết cả giờ giải lao của thầy. Nhà thầy xa tận trong dốc dây Diều nhưng có hôm không có chiếc Babetta, thầy vẫn đạp chiếc xe Phượng Hoàng đến lớp dạy rất đúng giờ.
Môn Hóa do thầy No giảng dạy, lớp 11 thầy Nhận có dạy cho lớp một thời gian nhưng chủ yếu vẫn là thầy No. Từ khi chưa vào trường, đa số mọi người trong lớp đều đã nghe danh thầy học Hóa tổng hợp ra dạy rất siêu và có anh con trai cũng học Tổng hợp rất giỏi. Đặc biệt lúc đầu nghe giọng nói miền Trung đầy ấn tượng của thầy, dưới lớp một số cứ bắt trước nhưng không được. Thầy rất hóm hỉnh, đứng trên bục giảng say sưa như một nghệ sĩ thôi miên đám học trò. Các bài tập nâng cao của thầy luôn khiến học trò phải suy nghĩ thật cẩn thận, chắc chắn mới dám trả lời. Có những bài khó được trình bày cách giải luôn được thầy góp ý để hoàn thiện hơn. Thầy luôn yêu cầu khá cao ở học trò, có lẽ chính vì thế mà các bạn có một phần hơn sợ nhưng lại rất cố gắng ở môn Hóa và kết quả là chất lượng học tập môn Hóa đến lớp 12 đã tiến bộ vượt bậc. Thầy luôn tâm niệm thầy giỏi thì phải dạy được trò giỏi hơn thầy, “thầy là chiếc gương để trò soi vào và khi chiếc gương của của thầy mờ đi thì gương học trò phải sáng lên”.
Môn mà các bạn sợ nhất là môn Văn. Mặc dù có một số bạn cũng rất yêu môn Văn nhưng phải nói rằng cứ đến giờ kiểm tra miệng môn Văn thì hầu như lớp nhìn xuống vì sợ bị cô Phúc gọi lên bảng. Những giờ trả bài môn Văn cũng nhiều trận cười nghiêng ngả sau khi cô Phúc đọc 1 số câu trong bài làm của các bạn, và cũng chính vì thế mà một số bạn đã không được học sinh tiên tiến và học sinh giỏi vì môn này. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, nhờ sự dạy dỗ rất nghiêm khắc và nhiệt tình của cô Phúc mà đến hôm nay, nhiều bạn trong lớp có khả năng viết rất tốt. Ngày xưa ấy, chắc có nhiều lúc lớp làm cô rất giận nhưng sau này, lớp rất nhớ cô, thường nhắc đến cô và thấy rằng nếu khi ấy cô không cho điểm thấp và nghiêm khắc thì có một số bạn đã nhận thức sai lầm về môn học và trở thành người tự phụ với khối học lệch của mình. Lớp đã trưởng thành lên rất nhiều từ môn Văn.
Môn Sinh do thầy Hội dạy cả 3 năm. Thầy có đặc điểm rất khắc khổ, nhà thầy rất khó khăn, con nhỏ, thầy hay ốm nhưng rất tận tâm tận lực với lớp. Có nhiều bạn học tốt môn Sinh của thầy nhưng chỉ tiếc là chưa giành được giải trong các kỳ thi học sinh giỏi. Lớp rất tích cực học môn của thầy nhưng có lần lớp đã trốn giờ học của thầy đi hát karaoke làm thầy rất giận rồi thầy cũng tha thứ. Ngày thầy ốm nặng và đi xa, lớp không biết để về thăm và tiễn đưa thầy nhưng trong trái tim mỗi học sinh trong lớp và các thế hệ luôn nhớ đến thầy.
Môn Sử do cô Thuận dạy. Cô dẫn dắt chuyện rất hay, bài hôm nay bao giờ cũng bắt đầu từ bài hôm trước. Cô hay khuyến khích lớp phát biểu và cho điểm miệng ngay trên lớp nên lớp rất hứng thú. Một điểm khác làm cho lớp rất nhớ là cô rất tâm lý, biết thay đổi không khí học tập của lớp nên có hôm học tiết cuối là môn của cô lớp vẫn rất chăm chú nghe giảng.
Môn Địa do thầy Liên dạy. Thầy dạy rất ngắn gọn dễ hiểu, đặc biệt thầy rất nghiêm khắc trong thi cử nên lớp rất sợ và luôn làm bài nghiêm túc. Biết học trò khó nhớ nên thầy luôn đặt phép so sánh giữa vùng này với vùng kia, mùa này với mùa kia, nước này với nước kia, hay cách thầy hỏi tại sao lại thế này mà lại thế kia và luôn tóm tắt từng bài để học trò dễ hiểu hơn và nhớ lâu hơn.
Môn Kỹ thuật Nông nghiệp do thầy Lệ dạy. Thầy nhỏ người và đeo cặp kính dày nên lớp hay trêu thầy. Thầy dạy rất hay và hay lấy những ví dụ sát thực với cuộc sống. Thầy có cách ra đề thi và chấm thi rất ngắn gọn, xúc tích, không phải viết nhiều và cốt ở đúng ý và phải đầy đủ. Học môn của thầy giúp học sinh biết cách tổng kết kiến thức và trình bày ngắn gọn, mạch lạc.
Môn Kỹ thuật công nghiệp do thầy Vũ dạy. Bài giảng của thầy thường có những ví dụ minh họa mang tính thời sự cao như với bài các loại động cơ đốt trong, động cơ 2 kỳ, 4 kỳ thầy dùng những tính từ mạnh như “phóng tẹt ga”, “máy khỏe”, “chạy êm”, đặc biệt thầy có chiếc môkích thỉnh thoảng phải đẩy. Các em mến mộ nên thỉnh thoảng đẩy xe hộ thầy và ríu rít mỗi khi gặp thầy ở trường hay trên đường. Do có sự hiểu lầm nên một số bạn nữ suýt “ăn củ đậu biêu đầu” nhưng mắn mắn là không sao. Vui thật.
Với môn Giáo dục công dân của cô thức, điều dễ nhất và cũng khó khăn nhất với lớp là phải lấy ví dụ trong thực tế. Cô giảng khá sâu về nội dung và khi kiểm tra đòi hỏi học sinh phải có những vận dụng vào thực tế. Đây là phương pháp dạy và học hiện đại mà về sau này ai vào học ở bậc đại học, cao đẳng có thể cảm thụ được rất rõ. Đến năm lớp 12, lớp được thầy Xình dạy. Thầy có chất giọng thanh mảnh, lúc trầm, lúc bổng như kể chuyện. Các vấn đề cả về Lịch sử cả về Giáo dục công dân được thầy nêu và phân tích như một chuyên gia chính trị. Đứng trên bục giảng, thầy hiểu các bạn trong lớp nghĩ gì, thầy dẫn chuyện, đứa nào cũng chăm chú rồi lại phá lên cười mỗi khi thầy pha trò. Học giờ của thầy không thấy khô khan mà rất thoải mái.
Học lần đầu môn tiếng Anh là phải đánh vật với việc đánh vần. Lúc đầu chép chính tả và phát âm sao mà khó thế. Học như học vẹt. Bài kiểm tra 15 phút đầu tiên rất kém. Nhưng sau một thời gian, dưới sự dạy dỗ nhiệt tình của cô Trúc, tình hình đã khá hơn rất nhiều. Chỉ tiếc rằng đến lớp 12 lớp không còn học chính thức môn này nữa, chỉ còn lại một số bạn học khối D và một số bạn yêu thích học môn của cô.
Môn thể dục lớp 10 do thầy Chiểu dạy, đến lớp 11 và lớp 12 thầy Chiểu chuyển trường thì thầy Hùng dạy thay. Thầy mới ra trường, chưa vợ, rất vui tính và nhiệt tình. Lớp vẫn nhớ mãi giọng nói của thầy khi gọi tên học sinh phải kéo thật dài “cô …. này, cậu …. kia”.
Người thầy cuối cùng được nhắc đến trong những dòng ký ức này đó là thầy Đan dạy môn vẽ kỹ thuật. Thầy chỉ dạy lớp 1 học kỳ và chuyển trường. Chúng tôi không còn nhớ nhiều về thầy nhưng vẫn nhớ thầy đẹp trai và đeo cặp kính cận, hay cười.
Biết bao nhiêu chuyện về học tập và về các thầy cô, kể bao nhiêu cũng không xuể nhưng chỉ xin kể dông dài mấy suy nghĩ và những kỷ niệm đẹp nhất về các thầy cô. Thời gian đã trôi qua, học sinh xưa giờ đã lớn, nếu có điều gì chúng em đã làm các thầy giận thì nay cũng xin các thầy lượng thứ. Trong trái tim mỗi học trò chỉ còn lưu lại những kỷ niệm đẹp nhất về mái trường và lòng biết ơn đối với các thầy cô.
Các hoạt động khác như: văn hóa, văn nghệ, thể thao, dã ngoại, ….
Suốt 3 năm học, phong trào thể thao nhất là bóng đá nam diễn ra rất sôi nổi và duy trì thường xuyên. Lớp thường giao hữu với các lớp cùng khối ở các sân trường công nhân, sân trường điện, sân đường sắt. Do các cầu thủ đội nhà hơi còi xương một tí, nên khi xuất trận, sau phần mở đầu khoe xương hoành tráng, các cầu thủ của ta thường thở hắt ra. Dù rất ít thắng trận nhưng không khí rất vui vẻ. Có kỷ niệm vui nhất là lần lớp đá với lớp 10D, Đức ta đang ốm, nổi mần đay đầy người nhưng sau khi trốn đi đá bóng về thì cũng khỏi luôn. Thật là 1 phen hú vía.
Môn không thể không kể đến của lớp là cầu lông. Với cặp Nguyệt-Hương, Khanh-Đức cùng với đội cổ động viên hùng hổ, mồm to hơn cả người, quân ta từng làm cho các đối thủ khiếp vía. Thế mới biết tiêu càng nhỏ càng cay.
Cứ vào mỗi dịp 10/11 và Tết lớp thường tổ chức đến thăm các thầy cô giáo và thăm nhà nhau rồng rắn rất vui. Ra đầu xuân lại tổ chức đi đền Sóc chơi lại ghé qua nhà bạn Tí có hồ Đồng Quan chơi thường xuyên. Có hôm chẳng có chuyện gì cũng trốn nhà rủ nhau đi chơi chỉ vì ham vui. Năm lớp 11 vui nhất là ngày 31/3 lớp được thầy giáo chủ nhiệm và hội phụ huynh học sinh tổ chức cho đi chơi Tây Thiên. Chuyến đi rất đông vui và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp hay năm lớp 12 lớp vào tận trường Sư phạm II lấy cành hoa giấy mang về trường trống, nhưng than ôi: “Hoan hô các bạn trồng cây, mười cây chết chín một cây gật gù”. Đúng là “chỉ còn một chiếc lá cuối thu mỏng manh”.
Lớp cũng có rất nhiều tài. Còn nhớ năm lớp 12 trong lần thi học sinh thanh lịch bạn Thủy với câu trả lời dễ thương và phần cắm hoa toàn rơm đã giành được giải nhì. Trong liên hoan văn nghệ, bạn Thu Hiền cũng giành được giải nhì với bài hát tràn “Người về thăm quê” đầy xúc động, khán giả nghe sởn cả gai ốc. Phong trào văn nghệ của lớp cũng rất sôi nổi, Nhân dịp 8/3 hàng năm các bạn tha hồ được trổ tài.
Lớp sống rất tình cảm, lớp 12Ăn cũng có nhiều chuyện để kể. Cho đến nay vẫn có những trận phá hoại vườn tược chưa được công bố như những trận đả kích “dái mít” nhà bạn Dung, trận oanh tạc “giàn nhót” nhà Ngô Đông, trận giật gốc táo nhà Khanh hay “đánh những trận sạch không quả táo” nhà Đường Đông. Chắc chắn lớp sẽ không bao giờ quên cả những khi thăm các bạn ốm như lần đi thăm bạn Hòa, bạn Quảng, bạn Hạnh, …. Sau này khi đã ra trường rồi lớp vẫn thường xuyên gặp lại nhau, thăm hỏi nhau và động viên nhau những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Lớp cũng đã tổ chức được 2 lần họp mặt vào các năm 2002, 2004.
Qua 3 năm học tập dưới mái nhà Kim Anh, lớp chúng ta đã biến những tên riêng trong các tác phẩm thành những tên có thật bên ngoài cuộc sống như: Khanh kều, Đông John, Đông to, Hứa gậy gộc, Long tiên sinh, Hiển cót, Huyến khờ, Hà lý, Nguyệt phắn, Hương nhà tạo mốt thời trang, Hòa quan tây, Hưng chí phèo, Phúc nhà thơ, Phúc hòa thượng, Hiền béo, Hiền mô tơ, Nghĩa cá trê, Thăng pakitô, Thiết cu tõm, Thoa ếch chi ma, Việt vịt, Xuân tóc đỏ, Tâm trâu điên, … Dù có bạn thích hay không thích khi ấy thì giờ đây cũng đã là chuyện của ngày hôm qua.
Từ ngày vào trường, đến nay đã 13 năm, từ khi tốt nghiệp đến nay thấm thoắt cũng đã 10 năm. Có biết bao chuyện để kể, có chuyện nhớ, có chuyện đã quên nhưng chúng ta sẽ còn tiếp tục cùng với nhau ôn lại những kỷ niệm ở những câu chuyện sau này để lớp 10A sẽ mãi mãi bên nhau.
Cuối cùng xin trân trọng cảm ơn các thầy cô giáo đã bớt chút thời gian tới dự với lớp, xin kính chúc sức khỏe và hạnh phúc đến các thầy cô và gia đình, chúc các bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt hơn nữa trong cuộc sống.
Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2006

Không có nhận xét nào: