Thứ Tư, 8 tháng 10, 2008

Khoa Toán - Cơ - Tin học - Nơi tổ ấm tìm về


Thời gian thấm thoắt thế mà đã bảy năm kể từ ngày tôi vào đại học. Tám mươi tư tháng tuy là ngắn ngủi nhưng cũng bằng một phần mười của cuộc đời và thế cũng là đủ để thay đổi số phận một con người. Với tôi, mái trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Khoa Toán - Cơ - Tin học thân yêu chính là nơi đã tạo cho tôi một sự khởi đầu tốt đẹp.
Tôi sinh ra và lớn lên từ một miền quê nghèo thuần túy nông nghiệp nằm ở phía Bắc của Thủ đô. Gia đình tôi có ông nội, bố mẹ, chị gái đầu và ba cậu em trai cách nhau hai năm một. Nhà nghèo và đông em nên hồi nhỏ tôi không được đi học mẫu giáo mà phải ở nhà trông em và khi tôi bắt đầu đi học vỡ lòng thì ông nội mất và từ đó tôi phải nấu cơm để bố mẹ và chị đi làm. Thuở còn chăn trâu cắt cỏ bên lũy tre làng mới học lớp bốn lớp năm gì đó, chiều thứ bảy thả trâu đằm ở hồ nước đầu làng thấy các anh chị đi học ở Hà Nội về đạp xe qua ngõ thích quá, hai mắt cứ sáng long lanh, tối về nằm chõng tre ngắm trăng ở giữa sân lại nói chuyện với bố là sau này con sẽ học đại học. Bố cười bảo con còn bé lắm biết bao giờ mới đến ngày đó, mà ở trong làng này học hết cấp ba đã là tốt rồi, chứ đã có mấy người vào đại học với lại nhà mình nghèo làm gì có tiền mà đi học đại học ở Hà Nội tốn kém lắm, mỗi năm phải mất cả vụ lúa nhà mình. Tôi ngước mắt lên bầu trời nhìn ánh trăng sáng vằng vặc mà nghĩ cổng trường đại học sao mà xa vời vời.
Những năm tháng sau này đi học cấp hai, cấp ba, tuy không có nhiều điều kiện để học tập, nhưng trộm vía các cụ, tôi học càng ngày càng sáng dạ. Vì cùng lúc cả năm chi em đều đi học nên năm lớp mười, bố định hướng cho tôi đi học trường nghề để vừa lấy bằng phổ thông vừa lấy bằng nghề rồi đi làm cho đỡ vất vả nhưng tôi nhất định không chịu. Hết lớp 11, tôi khăn gói ra Hà Nội học thêm và đăng ký thi vào đại học. Mặc dù kết quả không cao nhưng tôi đỗ liền hai trường ngay trong năm đầu. Ngày chú tôi gọi điện từ Hà Nội về thông báo kết quả cả nhà vui khôn siết, mẹ cứ rơm sớm nước mắt. Tôi biết mẹ rất vui nhưng trong lòng đầy lo lắng. Chị gái đã phải nghỉ học rồi lấy chồng sớm, nhà làm hơn mẫu ruộng, bây giờ tôi đi học vừa không có tiền, lại không có người làm, biết xoay sở ra sao. May mắn làm sao nhờ có mọi người trong họ hàng động viên và sự quyết tâm của bố mẹ nên tôi đã được đi học đại học.
Ngày nhập học, mẹ bán hai chum thóc to và phụ thêm tiền bán lợn từ lần trước để dành được chín trăm rưỡi đưa cho hai bố con. Lần đầu đến Ký túc xá Mễ Trì có lẽ sẽ không bao giờ quên được trong cuộc đời. Hôm ấy, trời nắng gắt và oi bức, khó khăn lắm tôi mới chen vào làm được thủ tục nhập học và phải chờ hơn một tuần để xin vào ở nội trú vì tôi không thuộc diện chính sách. Tôi được phân vào lớp A2-K2 Đại cương do Khoa Toán - Cơ - Tin học quản lý. Mọi thứ đều bỡ ngỡ nên phải mất hơn hai tháng, tôi mới quen được cách học ở trường đại học. Tôi rất nóng ruột muốn ổn định nhanh việc học tập để kiếm một việc gì đó đi làm thêm đỡ bố mẹ, nhưng bố mẹ không đồng ý. Mẹ bảo dù phải bán cả gia sản để cho các con ăn học bố mẹ cũng sẵn lòng chứ không bao giờ để các con phải vất vả, lo lắng, ảnh hưởng đến học hành. Tôi nghe lời mẹ tập trung vào học tập học kỳ đầu. Từ vị trí gần cuối danh sách, tôi vượt qua học kỳ đầu tiên suôn sẻ với kết quả khiêm tốn là không có môn thi lại. Tôi cũng bắt đầu kiếm được một địa chỉ gia sư tuần hai buổi ở phố Đội Cấn, chiều thứ Bảy hàng tuần vẫn đạp xe về nhà nhận thêm tiếp tế.
Bước sang học kỳ hai thì biến cố bắt đầu xảy ra. Bố tôi mắc bệnh hiềm nghèo và qua đời. Những ngày tháng đưa bố đi chạy chữa khắp các bệnh viện ở Hà Nội, buổi học, buổi nghỉ, môn thi, môn nghỉ, tôi đã không còn cơ hội để theo kịp các bạn trong lớp. Nhờ sự động viên của các thầy giáo cô giáo như: thầy chủ nhiệm Lê Đình Định, thầy Chủ nhiệm Khoa Đặng Huy Ruận và các cô làm ở Văn phòng Khoa như cô Lan, cô Phương, cô Liên, đặc biệt là nhờ sự động viên liên tục của bạn bè trong lớp, nhất là lớp trưởng Dư Đức Thắng, tôi cứ túc tắc thi theo sau các bạn rồi cũng hoàn thành hết được các môn. Mà hồi ấy còn Đại học Đại cương quản lý, điểm của tôi lại cứ mỗi môn thi mỗi chỗ nên đến hết giai đọan I, vẫn phải đi tìm một số môn bị thất lạc điểm. Tôi đủ điểm để chuyển thẳng vào giai đoạn II nhưng vì phải học lại môn Nhiệt học 2 đơn vị học trình nên phải thi giai đọan. Tôi đăng ký thi vào ngành Toán tin ứng dụng và may mắn nằm trong tốp đứng đầu danh sách trúng tuyển. Lớp tôi có 116 sinh viên do cô Nguyễn Viết Triều Tiên làm chủ nhiệm.
Giai đọan này, tôi đi làm nhiều, kín cả tuần. Tôi gầy hốc hác, lúc ấy chỉ 43,5 kg. Học hết được học kỳ 4, sang học kỳ 5 thì KTX có đại dịch sốt virus, do sức khỏe, lại ăn uống không tốt, tôi dính ngay loạt thứ hai, lại thêm một kỳ sóng gió. Tôi không cho gia đình biết mình bị ốm đơn giản là tôi không muốn mẹ phải lo lắng. Sau khi khỏe lại, tôi bắt đầu đi làm nhiều hơn để phụ cho mẹ vì lúc này tôi vay tiền mua máy tính để học và cả hai em tôi cũng bắt đầu vào cuối cấp. Năm ấy tôi tham gia làm lắp ráp máy tính và trong một lần cầm tiền đi mua máy giúp bạn, tôi đã bị một người bạn khác lừa. Tôi đền cho bạn chiếc máy của tôi nhưng máy của tôi hết bảo hành cũng bị hỏng nên vẫn không thể nào bù đắp hết được. Tôi quyết tâm trung thành với nghề gia sư để vừa xoay sở cuộc sống vừa lấy tiền trả nợ dần. Thời gian này, tôi tham gia công tác Đoàn nhiều, làm Bí thư chi đoàn, Bí thư Liên chi đoàn và dành nhiều thời gian để đọc sách trên thư viện, nhất là các sách về lý luận. Lúc đó, nhiều người đã không ủng hộ tôi hoạt động nhiều vì sợ tôi bị ảnh hưởng đến học tập nhưng tôi thì nghĩ khác, nếu không có quãng thời gian họat động đó, tôi đã không thể vượt qua được những khúc cam go nhất và trưởng thành lên nhiều về nhận thức và kinh nghiệm sống. Nếu nhìn bề ngoài, nhìn giao tiếp, cách sống, cách làm việc thì ai cũng sẽ đoán tôi là người sôi nổi, vô lo, vô nghĩ. Nhờ hoạt động nhiều nên tôi có cơ hội được tiếp xúc nhiều với các thầy cô trong Khoa và trong Trường. Từ đó, tôi bắt đầu hiểu về truyền thống của Khoa của Trường, hiểu được hoàn cảnh và sự vươn lên của các thầy cô trong cả cuộc sống và trong sự nghiệp. Nhiều người làm cho tôi có ấn tượng rất mạnh và cũng là những người có ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của tôi sau này như thầy Đặng Huy Ruận, thầy Hoàng Quốc Toàn, cô Nguyễn Viết Triều Tiên, thầy Phạm Kỳ Anh, thầy Nguyễn Duy Tiến, thầy Nguyễn Hữu Công, thầy Đào Huy Bích, thầy Nguyễn Hữu Ngự, thầy Nguyễn Thủy Thanh, thầy Nguyễn Đức Đạt, thầy Nguyễn Hữu Việt Hưng, …
Năm 2000, sau khi học hết năm thứ tư, tôi may mắn được các thầy tạo điều kiện cho làm trợ lý giúp việc Ban chủ nhiệm Khoa phụ trách công tác sinh viên. Công việc này rất phù hợp với tôi. Đây chính là quãng thời gian có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc đời. Nhờ sự ủng hộ của các thầy trong Ban chủ nhiệm Khoa, nhất là thầy Phạm Kỳ Anh và thầy Phạm Chí Vĩnh, tôi bắt đầu có cơ hội để phát huy được sự cần cù của con nhà nông, khả năng tổ chức của một cán bộ đoàn, và khả năng xoay sở của một cậu sinh viên từng phải vật lộn với cuộc sống. Do số sinh viên trong Khoa rất đông lại nhiều lớp nên đấy cũng là cơ hội rất tốt để tôi phát huy bộ nhớ vốn được đã được tích lũy từ thời “ba vừa”: vừa nấu cơm, vừa trông em, vừa học bài. Việc phải quản lý các sinh viên Khoa Toán vừa thông minh, hiếu động lại mạnh mẽ luôn đặt cho tôi các bài toán không bao giờ đơn giản: Làm sao quản lý được chặt chẽ giờ lên lớp của sinh viên? Làm sao để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Trường với Khoa, giữa Ban chủ nhiệm Khoa với Giáo viên chủ nhiệm, giữa Giáo viên chủ nhiệm với Ban cán sự lớp và giữa Ban cán sự lớp với sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên và các họat động? Làm thế nào để phát huy vai trò của cán bộ trẻ trong công tác sinh viên? Trong thời gian này, bài toán làm thế nào để sinh viên có thể thích ứng được với môi trường xã hội? Làm thế nào để tìm kiếm các cơ hội thực tập và việc làm cũng đòi hỏi chúng tôi liên tục phải suy nghĩ. Tôi đã làm việc hết mình và dành hết tâm huyết để cố gắng giải các bài toán đó và thấy hạnh phúc với lời giải. Đó là sự tin yêu của sinh viên, sự tin tưởng của các thầy và sự trưởng thành của bản thân. Mỗi lần nhìn thấy sinh viên khó khăn, vấp ngã như thấy lại một của phần mình, thấy sinh viên trưởng thành lòng vui khôn siết.
Nhờ sự nghiêm khắc nhưng đầy khích lệ và tin tưởng của các thầy cô trong Khoa, tôi cũng mạnh dạn đề xuất các ý tưởng mới để liên tục đổi mới công tác quản lý sao cho thật hiệu quả. Cho dù cũng có lúc tự bản thân thấy rằng làm việc như thế là chưa thật tốt, chưa thật đáp ứng được với yêu cầu của công việc trong tình hình mới, nhưng bản thân tôi thấy mình đã rất cố gắng và luôn luôn phải gắng. Mỗi lúc hành động, tôi lại nhớ lời dạy của thầy Phạm Kỳ Anh “phải học cách tư duy để có thể t xoay sở khi gặp một bài toán đặt ra trong cuộc sống”, nhớ lời thầy Nguyễn Hững Công dạy “việc gì dù là nhỏ cũng phải làm cho cẩn thận”, nhớ lời dạy của thầy Hoàng Quốc Toàn “làm gì cũng phải đặt cái tâm lên hàng đầu, lời nói thẳng dù khó nghe nhưng hiểu được mới là đáng quý”, nhớ lời thầy Nguyễn Hữu Ngự dạy “học phải nắm cái bản chất, cái gì chưa hiểu, chưa biết thì phải phải hỏi, không được giấu dốt”, nhớ lời thầy Nguyễn Duy Tiến dạy “phải tranh thủ học ở những người biết hơn mình”, nhớ lời dạy của thầy Nguyễn Đức Đạt “phải kiên trì và nhẫn nại rồi sẽ có kết quả”, nhớ lời thầy Đào Huy Bích dạy “Hạnh phúc là sự cố gắng hài hoà trong nhiều mặt”. Mỗi lần nhớ lại thấy lời các thầy dạy đâu đó như vẫn vẳng bên tai. Từ khi vào đại học, vì bố mất sớm, mẹ lại ở quê nên tôi không nhận được nhiều sự dạy dỗ của bố mẹ mà chủ yếu là của các thầy cô. Với tôi, các thầy cô luôn như những người cha, người mẹ thứ hai của mình.
Làm việc ở Khoa gần bốn năm, tôi được chuyển sang làm công tác khác. Tuy bận rộn với các công việc mới, tôi vẫn dành một phần thời gian để tham gia các họat động với Khoa và vẫn gắn bó với các thầy, với sinh viên. Mỗi năm tết đến, những ngày đầu xuân, tôi lại dành những khoảng thời gian và tấm lòng nhỏ bé để đến thăm các thầy cô như thăm những người cha, người mẹ của mình. Mỗi lúc rảnh rỗi lại cùng anh em cán bộ trẻ trong chi đoàn đi đá bóng, đi chơi, trao đổi về chuyên môn, về kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy mới. Với sinh viên vẫn dành những sự quan tâm và tình cảm thân thiết nhất.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Khoa, cho phép em được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự dạy dỗ và động viên của các thầy cô trong Khoa, sự tri ân với tất cả bè bạn cùng các em sinh viên trong suốt những năm qua. Trong trái tim tôi, Khoa Toán - Cơ - Tin học sẽ mãi là tổ ấm để tìm về.
Hà Nội, mùa Thu năm 2006.

Không có nhận xét nào: