Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

MẸ

MẸ

Hôm nay là ngày rằm tháng Bảy. Theo truyền thống, mẹ thường làm bánh trưng hoặc bánh khoai và món tủ không bao giờ thiếu là chả đỗ xanh rán để thắp hương tổ tiên và làm rất nhiều món ăn truyền thống khác để đoàn tụ con cháu. Tính mẹ như vậy, lúc nào cũng phải đủ đầy mặc dù bây giờ con cháu đời sống vật chất đủ đầy không ăn uống là mấy. Năm nay là năm đầu tiên con gái ở nhà chơi với bà và các em qua đêm để ăn rằm tháng Bảy. Rằm tháng Bảy năm nay hội tụ đủ đầy cả chị gái, anh rể và 4 anh em trai và 3 nàng dâu cùng các cháu, chỉ thiếu cô dâu út mới sinh em bé đang về ngoại. 

Nhìn con cháu đủ đầy, mẹ rất vui. Chập chiều, lúc bất chợt bước chân xuống cầu thang, tôi thấy lưng còng xuống quá nhiều, 2 chân đã rất run vì bệnh khớp, tóc mẹ bạc nhiều, da đã đồi mồi, bất chợt nước mắt cứ trào ra khóe mắt. Sắp bước sang tuổi 70 nhưng mẹ đã già đi quá nhiều rồi. Năm nay cũng là năm thứ 24 bố đi xa bỏ lại mấy mẹ con tự lập, xoay vần giữa dòng chảy cuộc đời.

Rằm tháng Bảy năm nay trời không mưa. Tôi nhớ nhiều năm liền rằm hay mưa và chúng tôi cùng mẹ thu hoạch mùa khoai sọ và đàn vịt cũng đúng thời mới chéo cánh. Món đặc sản đầu mùa mẹ thường nấu cho ăn chính là canh khoai sọ với vịt chéo cánh. Cả nhà còn hoàn cảnh và đứa nào cũng tuổi lớn bữa nấu 6 bò gạo chỉ vươn vai là ăn hết veo, vét sạch đáy nồi. Ngày xưa nhà làm 1,6 mẫu ruộng với đủ các loại cây mùa nào thứ ấy, nuôi rất nhiều gà vịt, trâu và lợn vẫn không đủ ăn cho đến khi khoán ruộng. Tuổi thơ chúng tôi gắn với đồng ruộng lam lũ cùng mẹ từ gà gáy có hôm nửa đêm đến tối mịt. Mẹ quá vất vả toàn gánh lúa, gánh khoai trên 1 tạ xít tận mầu quang, nhảy duỵch qua các bờ mương và kĩu kịt ra chờ hàng chục cây số, tát nước ruộng cao, chính vì vậy mà khi về già mẹ gần như hỏng hết 2 khớp gối, khớp vai và còng cột sống.

Hồi mới lớn tôi nghe kể ngày nhỏ mẹ học rất giỏi, tốt nghiệp cấp 2 được chọn đi xuất khẩu nước ngoài nhưng vì nhà nghèo, ông ngoại mất sớm có 4 chị em gái bà ngoại tôi nói "ở nhà làm ruộng, đi gánh cứt" nên mẹ tôi đành gác mọi ước mơ tuổi trẻ để phụ bà và sau này đi dân công hỏa tuyến mới gặp bố tôi và xây dựng gia đình. Thời tuổi trẻ cũng vất vả vì ông bà nội sinh được 10 người con nhưng chỉ có 3 trai, bác cả đi chiến trường biệt tin tức chưa có con, bác thứ hai 17 tuổi chết vì bị bệnh, chỉ còn bố tôi và 7 cô gái mà bố lấy mẹ sinh anh trai bận đầu lòng lại mất mãi mới sinh được chị gái do vậy chưa có cháu đích tôn để nối dõi tông đường. Tôi nghe kể bà nội bắt bố phải bỏ mẹ để cưới vợ nữa cho đến khi nào phải có con trai. Đó là những năm tháng cơ cực của đời mẹ. Mới lập gia đình bố lại đi học xa, nhà ra ở riêng là bãi sình lầy, nhà tranh vách đất chỉ có một mình chèo trống. Rồi với sự may mắn và kiên trì bố mẹ tôi đã sinh liền 4 con trai. Ông bà nội đều ở cùng nhà tôi cho đến trước khi qua đời. Khi lớn lên, tôi rất thân với bà nội vì tôi là cháu trai lớn nhất của bà. Bác cả sau chiến tranh mới sinh được 3 người con 2 gái một trai. Tôi lớn lên chứng kiến bà nội và bác dâu cũng như mẹ tôi chưa bao giờ hợp nhau. Tôi  thường xuyên chứng kiến và cũng hiểu ít nhiều về chuyện "Mẹ chồng nàng dâu"  nhưng tôi giống bố là rất trung lập về cả 2 phía. Bố tôi là người gánh vác việc trong cả gia đình nhỏ và gia đình lớn và luôn là trọng tải giải quyết mọi việc. Chứng kiến cuộc sống gia đình lam lũ về thể xác và có nhiều lúc cũng rất căng thẳng về tinh thần, tôi cũng ít nhiều thấm thế nào là khổ. Về sau này, khi mẹ tôi đã có 4 nàng dâu, vợ tôi và các em dâu cũng đều rất tử tế, nhưng cho dù đời sống vật chất có lên cao đến bao nhiêu thì cảnh mẹ chồng nàng dâu có lẽ vô thủy kiếp cũng khó mà có thể hòa hợp nếu không có sự giác ngộ và thay đổi về nhận thức. Có thể do cuộc sống quá cực khổ nên mẹ tôi rất khó tính, làm bất kỳ việc gì cũng phải làm tốt nhất có thể, nghiêm khắc với bản thân và các con, nghỉ sao nói vậy và đôi khi nhiều người nói mẹ tôi rất "ác khẩu". Nhưng có lẽ vì vậy mà bố tôi mất sớm mà 4 anh em trai tôi không đứa nào mấy dạy, lêu lổng chơi bời hay cờ bạc rượu chè mà chỉ chí thú lao động và học hành và đứa nào cũng trưởng thành.

Tôi may mắn có được chút gen học hành của bố mẹ nên cũng sáng dạ trong chuyện học hành dù từ nhỏ không có điều kiện tới trường mẫu giáo và đến lớp 8 vẫn không được học thêm gì vẫn ở trong tốp khá, dù vào môi trường nào cũng chỉ thời gian rất ngắn là được chọn làm lớp trưởng, lớp phó hoặc bí thư, cán bộ đầu tàu do có chút khả năng ăn nói và đầu óc tổ chức và tác phong lãnh đạo. Có thể do lãnh đạo bọn đàn em từ nhỏ nên nó hình thành như vậy từ sớm. Bố mẹ lúc nào cũng cổ vũ học hành. Mẹ thường xuyên nói "cho dù có phải bán hết trâu bò lợn gà, bán hết thóc gạo kể cả nhà cửa miễn chúng mày còn sức học và còn muốn học thì mẹ cũng đầu tư". Tuổi thơ quá vất vả nên ước mơ của tôi chỉ là thoát khỏi đồng ruộng và làm gì cũng được miễn là không phải tiếp tục làm ruộng nên chỉ biết phấn đấu học hành, tìm thầy giỏi để học và hy sinh nhiều những thú vui chơi của tuổi trẻ mới lớn. Khi tôi vào đại học, mẹ đã rất tự hào. Kỳ đóng học phí đầu tiên mẹ tôi bán hết 1/3 số thóc chỉ để đủ đóng một kỳ. Đã lâu lắm lần đầu tiên tôi mới rơi nước mắt vì chứng kiến điều đó. Tôi đã thề với lòng mình là sẽ không bao giờ về nhà lấy tiền nữa và cuộc sống của chàng trai 18 tuổi bắt đầu tự lập tại Thủ đô với muôn vàn cơ cực cũng bắt đầu từ đó.

Vừa vào đại học thì bố tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Án tử hình ung thư gan không thể nào thoát tử, khi phát hiện có bệnh cả nhà cũng đưa bố đi hết tất cả các bệnh viện tốt nhất có thể nhưng chỉ 1 tháng 10 ngày ông đã không qua khỏi. Mẹ tôi suy sụp hoàn toàn, sụt hơn 10 kg, mất ngủ triền miên và huyết áp tăng vọt. Tôi cũng ngủ bê bết và nghỉ học triền miên không theo kịp các bạn sau những ngày dài và chạy đi chạy lại bệnh viện và chăm bố ở nhà gầy rộc đi. Các cô nhìn tôi chỉ khóc vì sợ tôi sẽ bỏ học và không qua được cú sốc này. Nhưng may mắn thay chỉ sau 1 tháng tôi đã đứng vững được và tiếp tục cùng mẹ nuôi 3 em trai ăn học. Tôi tốt nghiệp đại học, mặc dù không có gì xuất sắc những nhờ sự xông xáo trong các hoạt động và làm được việc nên may mắn được các thầy cô tạo điều kiện được ở lại Khoa làm việc với vị trí đầu tiên là Trợ lý cho Chủ nhiệm khoa phụ trách công tác sinh viên sau đó cứ thế phát huy được năng lực và trưởng thành người lãnh đạo và quản lý còn rất trẻ. Nhưng rồi lần lượt tôi cũng bỏ các vị trí đầy ước mơ của nhiều người rời nhà nước ra ngoài làm quản lý cho doanh nghiệp rồi tự làm kinh doanh riêng. Mỗi lúc thay đổi như vậy, mẹ tôi đều rất lo lắng. Từ lúc ra Hà Nội mẹ chỉ nghe kể chứ chưa bao giờ biết chỗ tôi học và làm việc ở đâu. Với mẹ chỉ cần con ổn định phát triển là được không cần phải có nhiều tiền. 

Khi đi làm từ mua chiếc xe máy đầu tiên cho đến khi tôi lập gia đình để có thể mua đất xây nhà phải vay mượn rất nhiều, có ít tiền nào mẹ đều ưu tiên đưa để trả nợ trước. Lần lượt đến các em đứa nào mẹ cũng lo như thế cho đến khi từng đứa lần lượt lập gia đình. Rồi hết lượt đứa này đứa khác sinh con mẹ đều chăm sóc và trông nom các cháu mà không kêu ca phàn nàn. Lo cho từng đứa đất cát rồi xây dựng nhà cửa to to nhỏ nhỏ cũng ổn định chỗ ở và yên tâm làm việc, nuôi con.

Tình mẹ tôi rất chu đáo mọi việc kể cả là phi nội tác ngoại, nhưng tính hay ác khẩu nên con cháu đều sợ, không vừa không phải là nói ngay nhưng cũng quên ngay. Thời nhỏ tôi cũng rất hay cãi mẹ vì thấy nhiều chuyện mình đúng mà vẫn bị ăn mắng. Về sau ra đường va chạm xã hội, tôi càng hiểu mẹ tôi hơn vì đó là tính cách và sự hạn chế của bà, tôi cũng có vài lần có ý đồ sẽ góp ý với bà để bà thay đổi cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhưng điều đó cũng không cải thiện là mấy. Khi đã có chút điều kiện về kinh tế tôi cũng chăm sóc sức khỏe cho mẹ nhiều và đưa mẹ đi đây đi đó cho mẹ biết thế giới bên ngoài. Kể từ khi biết tu, tôi thương mẹ tôi nhiều, tôi dành nhiều thời gian chia sẻ pháp cho mẹ để mẹ sống nhẹ nhàng và biết buông bỏ hơn, mỗi khi có thời gian tôi lại về và nói chuyện với mẹ nhiều hơn, càng ngày lớn tuổi tôi thương mẹ càng nhiều hơn và hiểu mẹ hơn. Mẹ tôi vẫn nói như vậy, nhưng tôi đã hiểu chỉ là các cảm giác của mẹ và cũng chỉ là cảm giác của tôi nên tôi không còn phản ứng với những câu nói đó. Tôi cũng chia sẻ thường xuyên với vợ, các em trai và em dâu để chúng hiểu hơn tính cách của mẹ, tuy các em đều học hành cao hơn mẹ và có điều kiện ra ngoài va chạm xã hội và cũng đều đã có con, đứa nào cũng tử tế cả nhưng nhận thức mỗi đứa sẽ mỗi khác nên tùy thái độ sống của chúng mà sẽ thay đổi theo thời gian. Tôi chưa bao giờ trách vợ hay các em cả, thỉnh thoảng chỉ nhắc nhở. Khi nào chúng ngộ được ra rằng: Mỗi người mỗi tính, không ai giống ai và trên đời này ngoài mẹ ra sẽ chằng có ai có thể đối xử tốt và hy sinh cả cuộc đời cho con cháu ngoài mẹ và rồi đến lượt chúng cũng sẽ làm thế với các con của mình thì chúng sẽ thương mẹ nhiều hơn, không còn trách mẹ nữa vì mẹ già rồi, tính cách cũng khó thay đổi và đầu óc cũng ngày càng chậm đi mỗi ngày.

Còn với tôi đã 43 năm cuộc đời đã qua bao nhiều quốc gia trên thế giới và va chạm xã hội đủ thứ, những thăng trầm cay đắng cuộc đời đã nếm trải và có sự tu tập gần 7 năm nên luôn ý thức rõ ràng thời gian mẹ ở lại với chúng tôi chắc chắn sẽ không còn nhiều nữa. Tôi cảm nhận rõ chữ hiếu vẫn chưa trọn với mẹ. Điều mong muốn lớn nhất của tôi với mẹ bây giờ không còn là chuyện cơm áo gạo tiền và thời gian bên mẹ mà là giúp mẹ biết đến chánh pháp và sống với chánh pháp để biết buông bỏ mọi cảm thọ để sống những ngày tháng bình an lúc cuối đời. 

Mẹ ơi, hãy tha lỗi cho chúng con vì thỉnh thoảng vẫn làm cho mẹ buồn. Cho con dù có bao nhiêu tuổi, cho dù có thể nào, các con vẫn mãi chỉ là những đứa con bé bỏng của mẹ. Con chỉ mong mẹ sống những tháng ngày bình an bên gia đình, cho dù có phải hy sinh hay làm bất cứ điều gì để mẹ được sống bình an con cũng sẽ gắng làm mẹ ạ.

Rằm Tháng Bảy năm 2020

Không có nhận xét nào: