Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

DƯ ÂM THU CÒN MÃI

Mười ba năm trước tôi vào lớp Toán - Đại học Đại cương thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Chúng tôi học ở khu Thượng Đình, mỗi lần cần xem thông tin chung, chúng tôi phải lên Cầu Giấy để xem kết quả. Thời chúng tôi học, cả nước đang bước vào năm cuối áp dụng quy định thi chuyển giai đoạn. Cảm nhận của chúng tôi những ngày đó là “mệt mỏi vì phải hỏi”. Có quá nhiều bức xúc muốn gặp người lãnh đạo cao nhất để được giải đáp nhưng bao giờ cũng chỉ được gặp cấp phó. Khi ấy GS. Nguyễn Văn Đạo - Giám đốc ĐHQGHN trong tâm trí chúng tôi chỉ là “nhìn từ đằng xa”. Chả đứa nào dám “thấy sang mà bắt quàng làm họ”.
Năm 1999, tôi vinh dự được nhận danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu” đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập ĐHQGHN 10/12. Chúng tôi được Giám đốc động viên khen ngợi và nghe Giám đốc phát biểu say sưa về những nỗ lực của ĐHQGHN trong 5 năm qua tương lại trong những năm tới. Khi ấy những cái đầu non nớt của chúng tôi chả hiểu gì mấy về tầm nhìn của một đại học đang khát khao tự chủ để vươn lên. Những năm sau đó, tôi cũng chỉ tiếp xúc với thầy vài lần khi ở trong BCH Đoàn ĐHQGHN hay trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Khoa Toán trong những cái bắt tay và lời hỏi thăm động viên ân cần. Trong tâm trí tôi hai người mà tôi rất khâm phục vì vừa giỏi quản lý vừa giỏi khoa học làm khoa học và đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ chỉ có thầy Đạo và thầy Mậu (nguyên Hiệu trưởng ĐHKHTN).
Tôi hiểu về thầy Đạo nhiều hơn khi về làm ở phòng Tổ chức Cán bộ của trường. Khi ấy, tôi phụ trách làm các loại báo cáo tổng hợp của trường. Trong mỗi dịp có đoàn công tác của của cấp trên về làm việc với ĐHQGHN hay với trường ĐHKHTN, chúng tôi lại ngày đêm làm báo cáo. Những trận đánh úp để “soi” xem có cần phải “chăm sóc” gì không làm chúng tôi tê mỏi. Mỗi lần như vậy, chúng tôi càng hiểu vì sao tóc thầy bạc đi nhanh. Dù ở cương vị Giám đốc hay chỉ làm Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT lúc nào thầy cũng lo cho “đứa con” tinh thần của mình. Có lúc chợt nhìn thấy khóe mắt thầy rất buồn như ai sắp lấy mất cái gì đó của mình.
Tôi không bao giờ quên những ngày cuối cùng ở Đà Lạt. Tôi nhớ đó là một ngày tháng 6/2006, thầy Đạo vào dự Hội nghị toàn quốc về CNTT & Truyền thông, còn tôi và thầy Mậu cùng thầy Huy (trưởng phòng Tổ chức Cán bộ) vào làm việc với trường Đại học Đà Lạt về triển khai ISO. Tôi được giao chuẩn bị 1 bữa cơm thân mật để mời thầy Đạo và thầy Nguyễn Hữu Đức (Hiệu trưởng ĐH Đà Lạt). Chúng tôi thi nhau tán chuyện hài hước về Toán học. Thầy hay nói vui “hội làm toán chúng mình toàn người lạc quan tếu”. Thầy say sưa nói về hướng đi của đại học Đà Lạt mặc dù đó không phải là việc của thầy. Thầy động viên ĐHKHTN tiên phong trong ĐHQGH và nói ĐHQGHN cũng sẽ quyết tâm làm. Sau đó thầy lại say sưa nói về văn học nghệ thuật, về quan họ và thầy có đề nghị tôi thành lập 1 nhóm làm website tập hợp các điệu hát quan họ để lưu truyền cho thế hệ sau. Thầy là thế bình dị, hài hước và luôn lo cho cái chung dù đó không phải là của mình. Chia tay nhau, 1 ngày sau đó chúng tôi cùng ra sân bay về Hà Nội. Máy bay chậm giờ cất cánh, thầy cầm tờ báo đi đi lại lại trong phòng vẻ mặt rất suy tư. Tôi đã gặp thầy nhiều lần nhưng chưa bao giờ nhìn thấy khóe mắt thầy buồn đến thế nhưng không dám hỏi. Ai có thể ngờ rằng đó cũng là lần gặp cuối cùng. Ngày chúng tôi nghe tin dữ thầy bị tai nạn, cả trường nghe ngóng từng tin về thầy nhưng thầy đã ra đi mãi mãi. Thế là tôi còn nợ thầy 1 việc chưa xong, cũng may bây giờ việc đó có người khác làm thay rồi.

Tôi về FU, mới chân ướt chân ráo được anh PhongNX giao cho nhiệm vụ chuẩn bị cho hội thảo kỷ niệm 3 năm ngày mất của GS. Nguyễn Văn Đạo, biết tình cảm của thầy với FPT nói chung và FU nói riêng từ rất lâu nên chúng tôi đã làm với tất cả tâm huyết của mình. Khi gặp bác Chi để nói ý tưởng tổ chức buổi này, bác rất ủng hộ và đã vào cuộc cùng với chúng tôi để chuẩn bị rất nhiều tài liệu. Chúng tôi thực sự bất ngờ bởi cách lưu trữ rất cận thận của thầy Đạo. Tất cả - đúng là tất cả tư liệu từ thời đi học cho đến trước khi mất hầu như không thiếu thứ gì.

Cái khó của việc chuẩn bị không phải chỉ bởi chuyện phải tiến hành gấp rút đúng dịp kỷ niệm 3 năm mà bởi thầy Đạo là người có đóng góp khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổ chức, quản lý và các hoạt động xã hội. Thầy lại làm việc ở nhiều nơi nên việc đặt tên hội thảo hay việc chọn vấn đề để tham luận, người tham luận hay mời ai với tư cách nào được trao đi đổi lại rất nhiều lần. Dù thay đổi theo hướng nào cũng đều xoay quanh một mục tiêu là làm thế nào để đây thực sự là một hoạt động tri ân, đánh giá đúng tầm những đóng góp của thầy Đạo với sự nghiệp giáo dục Việt Nam, trang trọng nhưng phải thật ấm cúng.
Thế rồi mọi việc cũng diễn ra khá thuận lợi, khi chúng tôi liên hệ khách mời tham luận và dự buổi gặp mặt, ai cũng nhiệt tình nhận lời tham dự. Buổi gặp mặt đã diễn ra trong không khí rất ấm cúng và xúc động. Mỗi người có một cảm xúc suy tư riêng nhưng hết thảy ai cũng yêu mến, cảm phục tấm gương của thầy Đạo, ai cũng muốn chia sẻ suy nghĩ của mình trong mạch cảm xúc dâng trào. Mọi người cũng có cảm tình khá tốt đẹp về FU và kỳ vọng “đứa con tinh thần” của thầy sẽ phát triển mạnh “đi đầu trong tự chủ đại học”. Hội thảo đã khép lại với những ấn tượng rất tốt đẹp. Mặc dù còn vài việc chưa hoàn toàn được chu đáo nhưng chúng tôi cũng thấy vui vui vì mỗi người đã làm với cả trách nhiệm và tâm huyết của mình.

Trong cuộc đời mỗi người điều gặp phải những điều may mắn và không may mắn đan xen. Những điều không may mắn xin giữ ở trong lòng, còn điều tôi may mắn nhất chính là được tiếp xúc và học hỏi được từ nhiều người giỏi và nghị lực phi thường. Tôi trong thầy quá bé nhỏ còn thầy trong tôi rất lớn lao, tự tôi thấy chưa khi nào đủ cảm xúc và hiểu biết để nói về thầy. Những người thầy như những ngọn hải đăng dẫn chúng tôi đi phải kể đến như thầy đỡ đầu - GS. Nguyễn Duy Tiến đến các sếp trực tiếp như GS. Phạm Kỳ Anh, GS. Nguyễn Văn Mậu đều là những nhân cách lớn mà chúng tôi chưa bao giờ chạm hết được.

Ba năm đã trôi qua, tôi cũng đã đi qua ba chặng đường. Nơi tôi đến có những tấm lòng rộng mở. Tôi tâm niệm đại học phải là “tinh hoa trí tuệ và là nơi hội tụ của tình người và lương tri nhân loại”. Sự cống hiến của mỗi người như thầy Đạo và biết bao người khác chính là động lực để chúng ta đi tiếp những chặng đường gian khó. Liệu ước mơ của thầy Đạo về một đại học “khát vọng đổi thay” có thành hiện thực còn đang ở phía trước.

Thầy ơi, giờ đã qua cuối thu, Ngọc Lan không còn nở mà hương dịu mát còn quanh quất đâu đây trên những con đường thầy đã đi qua. Mùa thu xưa không còn nữa nhưng dư âm Thu sẽ còn mãi mãi.

Hà Nội, đêm 21/12/2009
Hướng Dương

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Nhớ 1 mùa đông

Hôm nay chủ nhật bước ra phố chợt thấy lòng se lạnh. Nhớ 1 mùa đông năm xưa ngày nào cũng đi qua đường Trường Chinh mùi hoa sữa sộc vào mũi thơm nồng, hăng hắc. Nhớ bác Trần Anh Trang ở Nam Định lên chơi chép tặng bài thơ, thấm thoắt thế mà đã 11 năm rồi.

CON ĐƯỜNG NHỚ EM

Những chiếc lá bỏ quên từ mùa cũ

Trên con đường nhớ em

Thời gian bỏ quên câu thần trú

Gọi thầm mỗi đêm

Những cơn gió cất lên từ dòng sông lạnh

Thổi vào ký ức con đường

Thổi vào bước chân vồi vội

Thổi vào câu thơ xa xôi

Trên con đường đằng đẵng

Bóng em nhỏ như dấu chấm cuối trời.

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

ĐÀM QUANG MINH – NGƯỜI CỦA NHỮNG CÁI ĐẦU TIÊN

 Người béo, khuôn mặt phúc hậu, cười tít, hay đi loanh quanh, đâu cũng thấy quen, tham gia nhiều chỗ, kiến thức rộng, thường có ý kiến hay trong các cuộc tranh luận, hay đề xuất ý tưởng mới mới và là người của nhiều cái đầu tiên. Đó là MinhDQ.

Cách đây 13 năm, khi tôi vào năm thứ nhất khóa Toán-Cơ- Tin học của ĐHKHTN, Minh học lớp 12 chuyên Toán. Đó là năm đầu tiên Liên chi đoàn Khoa tôi tổ chức Festival chung cho cả học sinh và sinh viên. Năm ấy khối chuyên Toán Tin của Minh đã để lại rất nhiều ấn tượng cho người xem về khả năng diễn kịch và viết văn có chất hài hước. Sau đó Minh vào lớp Cử nhân Tài năng đầu tiên của Trường ĐHKHTN và theo học ngành Địa chất – một ngành hoàn toàn mới với Minh.

Lớp của Minh là nơi tụ hội của kho huy chương quốc gia, quốc tế. Tuy thành thích thời phổ thông không phải xuất sắc nhất nhưng với những tố chất của người lãnh đạo và một tinh thần trách nhiệm cộng nhiệt tình, Minh vẫn được bầu làm lớp trưởng và ôm chức này cho đến khi ra trường. Ngoài thành tích học tập xuất sắc, lớp của Minh hoạt động rất toàn diện từ văn hóa, văn nghệ, thể thao đến các hoạt động học thuật. Ngay từ những năm đầu, mặc dù mô hình CLB còn rất mới mẻ ở trường thì Minh là người đã đưa ra ý tưởng thành lập CLB gia sư đầu tiên mang tên “Tài hoa trẻ” và hoạt động rất đình đám trên địa bàn Hà Nội thu hút nhiều trường khác tham gia. Cũng trong những năm ấy, với sự chủ trì của anh Vũ Thanh Mai – Bí thư chúng tôi cùng chị Tạ Bích Loan và thầy Nguyễn Minh Tuấn cho chạy phiên bản thử nghiệm của ”Đường lên đỉnh Olympia” mang tên “Những vì sao vui”. Cùng với 3 khối chuyên, khối của Minh là một đội. Khi ấy, anh em làm chương trình và nhà đài rất ngạc nhiên lẫn khâm phục màn kịch “Sôi kinh nấu sử” đầy chất sáng tạo và trí tuệ của lớp tài năng. Cũng trong năm ấy, tôi làm Bí thư Liên chi đoàn. Trường chúng tôi đang trong giai đoạn vận động thành lập Hội sinh viên. Đại hội đầu tiên, Minh làm Phó chủ tịch và giữ chức vụ này suốt hơn 2 nhiệm kỳ cho đến khi ra trường. Năm 2000, lần đầu tiên Thành Đoàn phát động chiến dịch tình nguyện làm công tác văn hóa xã hội trên địa bàn dân cư mang tên đội 23, chúng tôi về phường Thịnh Quang – tôi là đội trưởng, Minh phụ trách 1 cụm. Những năm đó cả Minh và tôi đều đi làm thêm nhiều để kiếm sống vì cuộc sống quá khó khăn, cả hai đều rất bận nhưng vẫn tích cực hoạt động, Minh còn tham gia vào lớp FYT khóa 1. Đến đây cũng cần phải nói rằng Minh đến với FPT từ khi gia nhập lớp FYT khóa 1 chứ không phải tính từ sau này. Với thành tích học tập và hoạt động xuất sắc, Minh được kết nạp vào Đảng – đảng viên đầu tiên của hệ Cử nhân khoa học Tài năng.

Sau khi tốt nghiệp, tôi về Khoa Toán- Cơ – Tin học. Sau đó 1 năm, Minh về khoa Địa chất còn Quỳnh – vợ Minh về cùng khoa với tôi. Chúng tôi tiếp tục hoạt động Đoàn. Tờ nội san sinh viên 334 mà Minh cùng anh em dày công chuẩn bị đã ra lò và trở thành món ăn không thể thiếu của cán bộ và sinh viên. Năm 2001, Minh cùng nhóm các bạn sinh viên khối Cử nhân tài năng đang học tập tại Pháp thành lập Quỹ học bổng Đồng Hành – quỹ học bổng đầu tiên của sinh viên – do sinh viên và vì sinh viên Việt Nam nghèo vượt khó. Lúc đầu hoạt động ở ĐHKHTN sau đó mở ra khắp cả 3 miền đất nước. Minh là đại diện quỹ đầu tiên ở Việt Nam . Sau đó, Minh đi nước ngoài học tập, tôi tiếp quản việc của Minh trong 7 năm liền. Khởi động cho Đồng Hành đi vào hoạt động, Minh và tôi cùng 1 số anh em ở diễn đàn văn hóa Đông Tây thành lập quỹ Bông Lúa dành cho học sinh chuyên và sinh viên ngành xã hội có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài hoạt động trao học bổng, chúng tôi còn tặng sách cho HSSV và góp sức với Nhà sách Đông Tây và chú Đoàn Tử Huyến dịch một cuốn sách có tên “Địa đàng ở Phương Đông” (Eden in the East) hiện đang rất phổ biến trên mạng. Đây là cuốn sách giới thiệu về nền văn minh lúa nước có nguồn gốc trong khu vực Việt Nam có thể là một trong những nôi lớn của văn minh nhân loại.

Minh sang Đức lấy bằng TS về ngành địa chất biển. Trong thời gian này, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Minh bận hơn vì tập trung vào nghiên cứu nhưng vẫn tích cực tham gia các diễn đàn trong và ngoài nước. Những bài viết tự truyện và tranh luận trên mạng của Minh khá sắc xảo. Những năm này, tôi cũng đang hoàn thành chương trình thạc sĩ nên chúng tôi còn một số ý tưởng về môi trường và triển khai công nghệ dang dở đành gác lại.

Minh có thú đi chơi loanh quanh tự khám phá. Minh đã đi từ Nam ra Bắc, sống ở nhiều khu vực của Việt Nam . Minh thường bảo: “Điều tự hào của Minh không phải kết quả học tập mà là có nhiều bạn bè, đã sống nhiều nơi, hiểu nhiều vùng đất và cách suy nghĩ của người Việt và một chút về cách làm việc quốc tế. Qua đó, hiểu rồi thì dễ sống, dễ chấp nhận khó khăn, có nhiều người bạn tốt cũng làm cuộc sống mình phong phú hơn nhiều lần và trợ giúp lại cho công việc”.

Còn nhớ hồi đầu Minh mới về nước, dù đã áp tết nguyên đán, GS. Nguyễn Văn Mậu – Hiệu trưởng ĐHKHTN vẫn gọi 2 chúng tôi đến giao nhiệm vụ triển khai nghiên cứu thử nghiệp áp dụng quy trình ISO trong công tác hành chính. Đây là ý tưởng thầy Mậu đã ấp ủ từ khi thầy Mậu, thầy Huy và tôi có chuyến đi Đà Lạt về. Chúng tôi cho ra sản phẩm 3 quy trình đầu tiên nhưng vì nhiều lý do, dự án đã không thể đưa vào áp dụng. Trường đã bỏ qua một thời cơ lớn. Làm ở trường một thời gian ngắn, Minh về FPT đầu quân cho dự án Fschool.

Tháng 3/2009, Minh về FU. Chúng tôi đã ngồi với nhau và Minh có gợi ý tôi suy nghĩ xem có về FU không. Lúc đó tôi chưa muốn chuyển nhưng vẫn nhận lời làm cố vấn cho Visky chương trình “Mầm nhân ái 1”. Minh chọn FU vì Minh thích làm giáo dục. Ngoài việc quản lý chương trình đào tạo GreenWich – chương trình liên kết đầu tiên của FU còn rất mới mẻ, Minh còn tích cực hoạt động mảng CNTT, nhất là các phong trào Olympic. Vốn là dân chuyên Tin cũ, cộng với những năm tháng được học tập ở FYT và quá trình tự học, năng lực công nghệ của Minh cũng khá.

Học chuyên Tin, tốt nghiệp đại học và lấy bằng tiến sĩ Địa chất, làm quản lý giáo dục. Minh thường bảo Làm giáo dục và làm chuyên môn là hai việc khác nhau, nhiều người nhầm lẫn hai việc và khiến cho không thành công. Minh sẽ cố gắng thành công trong lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra trong hệ thống công hiện tại có nhiều điều bất cập khiến cho nhiều người khó chấp nhận. Minh yêu FU vì Minh bảo “ở FU ai cũng có thể góp phần của mình vào đó. FU rất đa phong cách ngay từ BGH. Thế nên mỗi người có thể chủ động góp phần tích cực nhất của mình cho hình ảnh chung của FU. FGR là mô hình tốt và hy vọng sẽ là một trong những cầu nối cho sinh viên quốc tế vào FU, việc này đang triển khai nhưng còn nhiều khó khăn”.

Khi tôi viết bài này thì Minh và anh Dũng HA vừa đưa đội ACM giành thắng lợi bước đầu ở Thái Lan trở về. Vội vã chào nhau rồi trở về với công việc chất đống của mình. Cuộc sống bận rộn để rồi thời gian lại cuốn đi. Minh như hạt cát tạo thành viên sỏi rồi trở thành viên gạch hồng đắp xây cuộc sống, lặng lẽ, khiêm nhường mà thực lớn lao. Ai bảo Minh là người của những cái đầu tiên.

Cóc ngủ, đêm 10/11/2009

(Theo Trần Văn Dũng)

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Tự refresh

Sáng nay dậy sớm chạy vòng quanh xóm, giật mình thấy xóm đã thay đổi nhiều. Nhiều đất được giải phóng, nhiều nhà mới xây lên, nhiều người mới về, chỉ có tình người thì không có gì thêm.
Tự nhiên những kỷ niệm thời sinh viên lại tràn về.
Thuở ấy ở KTX Mễ Trì bọn tầng 2 sáng nào cũng dậy sớm chạy lên Ngã tư Sở rồi chạy về KTX đánh xà đơn xà kép và đá bóng. Những ngày lạnh muốn tắm buổi sớm phải uỵch nhau cho nóng lên rồi mới tắm kiểu từ chân lên tay rồi dội ào 1 cái.
Sớm nào cũng đi học trên chiếc xe đạp Thống Nhất quá khổ vì chất nhiều người. Đứa nào cũng đi học sớm, học như trâu và đi làm thêm như trâu.
Ôi những năm tháng oanh liệt đã qua rồi.
Giật mình thấy mình có vẻ đã già rồi.
Hôm nay tự refresh cái.

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

HÀNH QUÂN DU KÝ

Sáng tinh mơ tỉnh giấc
Đã thấy quân đứng đầy
Lịch kịch gói đồ đạc
Chất đầy những đôi vai

Lệnh hành quân đã điểm
Vượt lên “Đèo ngỡ ngàng”
Chặng đầu sao dài thế
Chắc em quay về thôi

Đi một lúc trời sáng
“Bốt hy vọng” kia rồi
Chắc đến nơi là nghỉ
Kết thúc một hành trình

Nghỉ ngơi chưa lại sức
Kèn đã giục lên đường
Bước lên “Đồi vỡ mộng”
Lòng ta sao mênh mang

Đi hết ba giờ rưỡi
Sắp mỏi gối chồn chân
“Dốc sung sướng” đây rồi
Xuống kia là hết chặng

Xa xa kèn hạ trại
Ánh mặt trời bừng lên
Ào ào quân đổ dốc
Sức xuân cuốn phăng đèo.

Xuân Hòa, rạng sáng 18/4/2009
Ghi chú: Để động viên quân sĩ nên tác giả gọi các địa danh “Đèo ngỡ ngàng”, “Bốt hy vọng”, “Đồi vỡ mộng”, “Dốc sung sướng” là các chặng gian khổ nhất trên đường hành quân qua đồi Thằn Lằn.

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

Ngày 20/10 của vợ

20/10 là ngày của vợ. Bình thường thì mẹ nó sẽ có hoa, được mua quà hoặc không thì cũng được đưa đi mùa quà. Thay vì đó, 6h dậy đi chợ nấu ăn cho 2 bố con, gửi thằng Cún cho ông bà hàng xóm trông, chuẩn bị thuốc cho chồng uống. Tất bật đi làm. Chiều về tắc đường hơn 1 giờ đồng hồ, phi vội về đi chợ, nấu cơm, chuẩn bị bữa tối, đón con, ăn tối, mệt, rồi đi ngủ. Hôm sau lại 1 ngày mới.
Ngày 20/10 mẹ nó chỉ nhận được 1 lời chúc, còn quà thì bị nợ bởi bố nó bị ốm.
Thế là hết 20/10.