Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

DƯ ÂM THU CÒN MÃI

Mười ba năm trước tôi vào lớp Toán - Đại học Đại cương thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Chúng tôi học ở khu Thượng Đình, mỗi lần cần xem thông tin chung, chúng tôi phải lên Cầu Giấy để xem kết quả. Thời chúng tôi học, cả nước đang bước vào năm cuối áp dụng quy định thi chuyển giai đoạn. Cảm nhận của chúng tôi những ngày đó là “mệt mỏi vì phải hỏi”. Có quá nhiều bức xúc muốn gặp người lãnh đạo cao nhất để được giải đáp nhưng bao giờ cũng chỉ được gặp cấp phó. Khi ấy GS. Nguyễn Văn Đạo - Giám đốc ĐHQGHN trong tâm trí chúng tôi chỉ là “nhìn từ đằng xa”. Chả đứa nào dám “thấy sang mà bắt quàng làm họ”.
Năm 1999, tôi vinh dự được nhận danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu” đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập ĐHQGHN 10/12. Chúng tôi được Giám đốc động viên khen ngợi và nghe Giám đốc phát biểu say sưa về những nỗ lực của ĐHQGHN trong 5 năm qua tương lại trong những năm tới. Khi ấy những cái đầu non nớt của chúng tôi chả hiểu gì mấy về tầm nhìn của một đại học đang khát khao tự chủ để vươn lên. Những năm sau đó, tôi cũng chỉ tiếp xúc với thầy vài lần khi ở trong BCH Đoàn ĐHQGHN hay trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Khoa Toán trong những cái bắt tay và lời hỏi thăm động viên ân cần. Trong tâm trí tôi hai người mà tôi rất khâm phục vì vừa giỏi quản lý vừa giỏi khoa học làm khoa học và đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ chỉ có thầy Đạo và thầy Mậu (nguyên Hiệu trưởng ĐHKHTN).
Tôi hiểu về thầy Đạo nhiều hơn khi về làm ở phòng Tổ chức Cán bộ của trường. Khi ấy, tôi phụ trách làm các loại báo cáo tổng hợp của trường. Trong mỗi dịp có đoàn công tác của của cấp trên về làm việc với ĐHQGHN hay với trường ĐHKHTN, chúng tôi lại ngày đêm làm báo cáo. Những trận đánh úp để “soi” xem có cần phải “chăm sóc” gì không làm chúng tôi tê mỏi. Mỗi lần như vậy, chúng tôi càng hiểu vì sao tóc thầy bạc đi nhanh. Dù ở cương vị Giám đốc hay chỉ làm Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT lúc nào thầy cũng lo cho “đứa con” tinh thần của mình. Có lúc chợt nhìn thấy khóe mắt thầy rất buồn như ai sắp lấy mất cái gì đó của mình.
Tôi không bao giờ quên những ngày cuối cùng ở Đà Lạt. Tôi nhớ đó là một ngày tháng 6/2006, thầy Đạo vào dự Hội nghị toàn quốc về CNTT & Truyền thông, còn tôi và thầy Mậu cùng thầy Huy (trưởng phòng Tổ chức Cán bộ) vào làm việc với trường Đại học Đà Lạt về triển khai ISO. Tôi được giao chuẩn bị 1 bữa cơm thân mật để mời thầy Đạo và thầy Nguyễn Hữu Đức (Hiệu trưởng ĐH Đà Lạt). Chúng tôi thi nhau tán chuyện hài hước về Toán học. Thầy hay nói vui “hội làm toán chúng mình toàn người lạc quan tếu”. Thầy say sưa nói về hướng đi của đại học Đà Lạt mặc dù đó không phải là việc của thầy. Thầy động viên ĐHKHTN tiên phong trong ĐHQGH và nói ĐHQGHN cũng sẽ quyết tâm làm. Sau đó thầy lại say sưa nói về văn học nghệ thuật, về quan họ và thầy có đề nghị tôi thành lập 1 nhóm làm website tập hợp các điệu hát quan họ để lưu truyền cho thế hệ sau. Thầy là thế bình dị, hài hước và luôn lo cho cái chung dù đó không phải là của mình. Chia tay nhau, 1 ngày sau đó chúng tôi cùng ra sân bay về Hà Nội. Máy bay chậm giờ cất cánh, thầy cầm tờ báo đi đi lại lại trong phòng vẻ mặt rất suy tư. Tôi đã gặp thầy nhiều lần nhưng chưa bao giờ nhìn thấy khóe mắt thầy buồn đến thế nhưng không dám hỏi. Ai có thể ngờ rằng đó cũng là lần gặp cuối cùng. Ngày chúng tôi nghe tin dữ thầy bị tai nạn, cả trường nghe ngóng từng tin về thầy nhưng thầy đã ra đi mãi mãi. Thế là tôi còn nợ thầy 1 việc chưa xong, cũng may bây giờ việc đó có người khác làm thay rồi.

Tôi về FU, mới chân ướt chân ráo được anh PhongNX giao cho nhiệm vụ chuẩn bị cho hội thảo kỷ niệm 3 năm ngày mất của GS. Nguyễn Văn Đạo, biết tình cảm của thầy với FPT nói chung và FU nói riêng từ rất lâu nên chúng tôi đã làm với tất cả tâm huyết của mình. Khi gặp bác Chi để nói ý tưởng tổ chức buổi này, bác rất ủng hộ và đã vào cuộc cùng với chúng tôi để chuẩn bị rất nhiều tài liệu. Chúng tôi thực sự bất ngờ bởi cách lưu trữ rất cận thận của thầy Đạo. Tất cả - đúng là tất cả tư liệu từ thời đi học cho đến trước khi mất hầu như không thiếu thứ gì.

Cái khó của việc chuẩn bị không phải chỉ bởi chuyện phải tiến hành gấp rút đúng dịp kỷ niệm 3 năm mà bởi thầy Đạo là người có đóng góp khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổ chức, quản lý và các hoạt động xã hội. Thầy lại làm việc ở nhiều nơi nên việc đặt tên hội thảo hay việc chọn vấn đề để tham luận, người tham luận hay mời ai với tư cách nào được trao đi đổi lại rất nhiều lần. Dù thay đổi theo hướng nào cũng đều xoay quanh một mục tiêu là làm thế nào để đây thực sự là một hoạt động tri ân, đánh giá đúng tầm những đóng góp của thầy Đạo với sự nghiệp giáo dục Việt Nam, trang trọng nhưng phải thật ấm cúng.
Thế rồi mọi việc cũng diễn ra khá thuận lợi, khi chúng tôi liên hệ khách mời tham luận và dự buổi gặp mặt, ai cũng nhiệt tình nhận lời tham dự. Buổi gặp mặt đã diễn ra trong không khí rất ấm cúng và xúc động. Mỗi người có một cảm xúc suy tư riêng nhưng hết thảy ai cũng yêu mến, cảm phục tấm gương của thầy Đạo, ai cũng muốn chia sẻ suy nghĩ của mình trong mạch cảm xúc dâng trào. Mọi người cũng có cảm tình khá tốt đẹp về FU và kỳ vọng “đứa con tinh thần” của thầy sẽ phát triển mạnh “đi đầu trong tự chủ đại học”. Hội thảo đã khép lại với những ấn tượng rất tốt đẹp. Mặc dù còn vài việc chưa hoàn toàn được chu đáo nhưng chúng tôi cũng thấy vui vui vì mỗi người đã làm với cả trách nhiệm và tâm huyết của mình.

Trong cuộc đời mỗi người điều gặp phải những điều may mắn và không may mắn đan xen. Những điều không may mắn xin giữ ở trong lòng, còn điều tôi may mắn nhất chính là được tiếp xúc và học hỏi được từ nhiều người giỏi và nghị lực phi thường. Tôi trong thầy quá bé nhỏ còn thầy trong tôi rất lớn lao, tự tôi thấy chưa khi nào đủ cảm xúc và hiểu biết để nói về thầy. Những người thầy như những ngọn hải đăng dẫn chúng tôi đi phải kể đến như thầy đỡ đầu - GS. Nguyễn Duy Tiến đến các sếp trực tiếp như GS. Phạm Kỳ Anh, GS. Nguyễn Văn Mậu đều là những nhân cách lớn mà chúng tôi chưa bao giờ chạm hết được.

Ba năm đã trôi qua, tôi cũng đã đi qua ba chặng đường. Nơi tôi đến có những tấm lòng rộng mở. Tôi tâm niệm đại học phải là “tinh hoa trí tuệ và là nơi hội tụ của tình người và lương tri nhân loại”. Sự cống hiến của mỗi người như thầy Đạo và biết bao người khác chính là động lực để chúng ta đi tiếp những chặng đường gian khó. Liệu ước mơ của thầy Đạo về một đại học “khát vọng đổi thay” có thành hiện thực còn đang ở phía trước.

Thầy ơi, giờ đã qua cuối thu, Ngọc Lan không còn nở mà hương dịu mát còn quanh quất đâu đây trên những con đường thầy đã đi qua. Mùa thu xưa không còn nữa nhưng dư âm Thu sẽ còn mãi mãi.

Hà Nội, đêm 21/12/2009
Hướng Dương