Hà Nội, xuân 2005
Lại
một kỳ trao học bổng sắp đến - kỳ thứ 8.
Thấm
thoắt thế mà đã hơn 3 năm kể từ ngày thành lập quỹ học bổng Đồng Hành với biết
bao khó khăn, biết bao nhiêu sự cố gắng và bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của các
thành viên trong quỹ đang học tập tại Pháp và ở Việt Nam. Mỗi sự cố gắng của
các thành viên đều có thể ví như “những viên gạch hồng” đắp xây lên quỹ ngày
càng lớn mạnh. Nhiệm vụ vận động để gây quỹ và điều hành đặt lên vai các thành
viên của Ban điều hành và các thành viên đang còn rất trẻ. Tất cả họ đều đang
là sinh viên. Ban đại diện được thành lập ở trong nước cũng nhiệm vụ nặng nề là
“chiếc cầu nối” để đưa Đồng Hành đến với các bạn sinh viên Việt Nam.
Là
một thành viên đại diện cho quỹ học bổng tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGH
tôi xin kể đôi nét về những việc mà chúng tôi đã làm và những tâm sự vui buồn
trong quá trình tham gia hoạt động của mình để được cùng với các thành viên
chia sẻ những kinh nghiệm và tâm sự của mình trong cuốn Tập san Đồng Hành sắp được
ra mắt.
Trước
hết xin kể về hoạt động của Quỹ học bổng Đồng Hành tại Trường Đại học Khoa học
Tự nhiên, ĐHQGHN.
Ban
đại diện quỹ học bổng Đồng Hành tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên được thành
lập có nhiệm vụ cụ thể như sau:
I.
Thực hiện chương trình trao học bổng:
- Thông
báo về chương trình học bổng, phát mẫu sơ yếu lí lịch và hướng dẫn các tổ
chức có trách nhiệm và sinh viên khai hồ sơ theo đúng mẫu quy định.
- Thu
hồ sơ, kiểm tra hồ sơ theo mẫu, lọc các hồ sơ không làm đúng mẫu, lầm
trích yếu về hồ sơ, lên danh sách, phỏng vấn trực tiếp, chọn các hồ sơ có điểm
cao nhất để quét và gửi hồ sơ lên
mạng.
- Nhận
kết quả từ Ban điều hành thông qua người liên lạc tại Pháp, báo cáo với
Ban giám hiệu Nhà trường, thông báo trên các hệ thống thông tin, thông báo
trực tiếp cho sinh viên, lên kế hoạch trao học bổng và tổ chức trao học
bổng.
II.
Các
hoạt động khác:
1. Thường xuyên giữ liên lạc với Quỹ
học bổng.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vấn đề nào nảy sinh thì trao đổi ngay với các thành viên của Đồng Hành qua hộp
thư hocbongvp@yahoogroups.com.
3. Thường xuyên liên lạc với các sinh
viên đã nhận học bổng. Tổ chức các dự án, các chương trình gặp mặt thường niên
toàn thể những sinh viên đã được nhận học bổng mỗi dịp trao học bổng hoặc khi
có thành viên ở Pháp về Việt Nam, trao các học bổng diện đột xuất khi có uỷ
quyền của Ban điều hành …
Về
quy trình xét duyệt hồ sơ vòng 1 tại trường.
·
Bước
1: Thông báo và thu hồ sơ
1. Cấp trường: Sau khi nhận được thông báo từ Ban điều
hành về chương trình học bổng kỳ mới, Ban đại diện có trách nhiệm làm thông báo
qua hộp thư gửi cho từng khoa và giao cho nhóm thông tin dán thông báo lên các
hệ thống bảng tin, website và diễn đàn của trường, Nội san 334.
- Cấp
khoa: Từ các
thông báo đã nhận được, các Liên chi đoàn, Liên chi hội phô tô và gửi cho
từng đơn vị (lớp, chi đoàn, chi hội). Các đơn vị nhỏ sẽ thông báo cho toàn
thể sinh viên được biết.
- Sinh
viên: Sau khi
nghe thông báo và đọc ở các hệ thống thông tin, sinh viên có nguyện vọng
sẽ đăng ký để phô tô mẫu khai lý lịch tại lớp hoặc nhận trực tiếp từ Ban đại
diện(được đặt tại Văn phòng Đoàn thanh niên – Hội sinh viên), viết toàn bộ
hồ sơ và nộp trực tiếp về Văn phòng cho Ban đại diện theo thời gian quy định.
Các mẫu khai tương đối thuận lợi với sinh viên, riêng về bảng điểm, sinh
viên phải làm đơn xin cấp bảng điểm chính thức tại phòng Đào tạo hoặc tự
làm và xin xác nhận của Ban chủ nhiệm khoa mới được công nhận là bảng điểm
chính thức.
- Đặc
biệt, bắt đầu từ kỳ 8, để đảm bảo xác thực thêm một bước về hoàn cảnh của sinh
viên, Ban đại diện yêu cầu các hồ sơ phải có ý kiến đề nghị của chi hội
sinh viên (là tổ chức chăm lo cho quyền lợi hợp pháp của sinh viên).
·
Bước
2: Đọc và trích yếu hồ sơ
- Chia
hồ sơ cho các thành viên của Ban đại diện đọc và trích yếu những vấn đề cơ
bản của hồ sơ sao cho người xem sau không cần phải rút hồ sơ cũng có thể
nắm được những thông tin cơ bản về hồ sơ như: Bố là thương binh nặng,
thường xuyên bị đau ốm, mẹ làm ruộng, nhà có 1 chị đã lập gia đình, 1 anh đi
học đại học Bách khoa, 1 em đi học cấp 3, đã đạt giải Nhì quốc gia môn Hoá
cấp tỉnh, đang ở KTX, có bệnh đau đầu, sức khoẻ yếu, có đi dạy gia sư,
tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là sinh viên hệ sư phạm không phải
đóng học phí, ….
- Lập
danh sách có kèm theo trích yếu của từng hồ sơ, phân loại từng khoa để
người tham gia phỏng vấn làm căn cứ để hỏi sâu hơn về hoàn cảnh.
- Những
hồ sơ không đủ điều kiện sẽ được lọc riêng ra để tham khảo (vẫn được tham
gia phỏng vấn).
·
Bước
3: Phỏng vấn và lọc hồ sơ
- Ban
đại diện thông báo danh sách, thời gian, địa điểm phỏng vấn
- Ban
đại diện chia hồ sơ cho các thành viên tham gia phỏng vấn và gọi lần lượt
theo danh sách.
- Phỏng
vấn từng sinh viên và cho điểm vào bảng điểm đánh giá.
- Họp
tổng kết rút kinh nghiệm, thống nhất phương án cho điểm cuối cùng.
- Trưởng
ban đại diện tổng hợp hồ sơ căn cứ vào kết quả của bước 1,2,3.
·
Bước
4: Gửi hồ sơ lên mạng
- Lập
danh sách những sinh viên được chọn vào vòng 2 (thường từ 25 – 35 sinh
viên), đối chiếu danh sách tại phòng Chính trị và công tác sinh viên xem
những sinh viên dự kiến được chọn đã được nhận loại học bổng tài trợ, học
bổng chính sách hay học bổng bằng ngân sách nhà nước lần nào chưa?
- Quét
hồ sơ và upload lên mạng, gửi kèm cả danh sách đã trích yếu để làm căn cứ
tham khảo.
Những kỷ niệm vui buồn
Những
kỷ niệm vui
- Mỗi
lần trao học bổng kỳ mới.
Thật
vui sướng biết bao cho mỗi thành viên của ban đại diện mỗi khi đến dịp thông
báo, xét và trao học bổng. Lần nào cũng được bận rộn với công việc xét duyệt hồ
sơ. Lần nào trao học bổng cũng được Ban giám hiệu và các phòng ban chức năng
trong nhà trường và các khoa quan tâm tới dự, động viên. Lại còn được các báo đến
phỏng vấn và đưa tin nữa chứ. Mỗi lần lại được kết nạp thêm những thành viên
mới làm cho đại gia đình Đồng Hành ngày càng lớn mạnh. Mỗi lần họp báo cáo về
mô hình hoạt động điển hình luôn được Trung ương Đoàn, Trung ương Hội sinh viên
Việt Nam, Thành Đoàn và Hội sinh viên Hà Nội và Đại học Quốc gia khen ngợi.
Thật là vui !.
- Đọc
tâm sự của các bạn mà như của chính mình.
Mỗi
lần đọc hồ sơ của các bạn các thành viên trong ban đại diện đều như tìm thấy
một phần hình ảnh của chính mình ở trong đó. Mỗi tâm sự, mỗi suy nghĩ và ước mơ
của các bạn thật bình dị mà cảm thấy được “đất nước mình sao nghèo thế? nhiều
sinh viên còn khổ thế mà nghị lực vươn lên thật phi thường !”. Mỗi lần như vậy,
bản lĩnh và niềm tin vào cuộc sống của mình lại ngày càng mãnh liệt. Không có
lần nào, mình lại không đọc hồ sơ của các bạn đến 3 lần, đọc đi đọc lại, xếp ra
rồi lại xếp vào, lần nào cũng đọc suốt cả đêm. Số hồ sơ cứ tách đôi, tách đôi
cho đến khi chọn được vừa đủ không quá 30 thì dừng lại, đi ngủ. Sáng dậy lại
xem lại 1 lần nữa là 4 lần. Có khi lên danh sách rồi, nghĩ thế nào lại lật 1 số
hồ sơ ra xem lại xem mình có sót điểm nào không. Nếu để ai đó thực sự xứng đáng
mà không được thì thật là có lỗi.
- Những
buổi gặp mặt các thành viên
Có
lẽ rất ít quỹ học bổng lại có nét đặc biệt như Đồng Hành. Đó là sau khi trao
học bổng vẫn có sự liên lạc giữa sinh viên ở Việt Nam nhận học bổng và các
thành viên đang học tập ở Pháp và ban đại diện. Cứ mỗi dịp trao học bổng hay
nhân dịp các thành viên ở Pháp về Việt Nam lại tổ chức gặp mặt các thành viên.
Chắc mọi người sẽ không thể nào quên chuyến đi Ba Vì tê cả chân mà đầy ắp tiếng
cười hồi tháng 5/2003 nhân dịp Hải Linh về, đợt gặp mặt tại Ký túc xá Mễ Trì và
ăn tối cùng nhau trong bữa cơm bình dân có “canh toàn quốc và nước mắm đại
dương” trong KTX với không khí thật thân tình mà ấm áp khi Thanh Hà về cuối năm
2003 hay đợt gặp mặt ở KTX năm 2004 có Điệp, Hải, Quang về ...
- Niềm
vui khi có thêm chiếc máy tính mới và tủ sách Đồng Hành
Còn
nhớ thời sinh viên, mình luôn luôn ao ước được đọc những tác phẩm văn học, lịch
sử nổi tiếng như: Thép đã tôi thế đấy, Anna Kare nina, chiến tranh và hoà bình,
… nhưng chẳng bao giờ có tiền để mua và vì sách đắt tiền nên cũng chẳng ai cho
mình mượn. Nên đến khi có ý tưởng thành lập tủ sách Đồng Hành mình rất vui và
cho triển khai ngay, không chậm trễ. Nhìn vào nhật ký mượn sách của các bạn,
mình thấy thật vui sướng như chính mình thời sinh viên đang được ôm trong lòng
những cuốn sách quý giá đó. Tuy mới chỉ mua được một số cuốn không quá đắt tiền
nhưng đây thực sự là niềm vui lớn cho các bạn sinh viên. Lại thêm những chiếc
máy tính mới được trang bị, có kết nối Internet, văn phòng làm việc bây giờ lúc
nào cũng tràn ngập công việc và đầy ắp những tiếng cười. Hoạt động của hội sinh
viên sôi động hẳn lên.
Còn
nỗi buồn và lòng trắc ẩn.
Khi
nhận được tập hồ sơ đăng ký có khi lên tới 96 bộ, ban đại diện không khỏi suy
nghĩ làm thế nào để chọn ra được những hồ sơ xứng đáng nhất để trao. Cho điểm,
phỏng vấn, cơ cấu theo khoa, theo năm, … Tất cả đều chỉ là tương đối!
Thế
nào là khó khăn? Bố mẹ là nông dân với bố mẹ là công nhân có lương, về nghỉ mất
sức, bố là bệnh binh, bố hoặc mẹ đã mất, … ai khó khăn hơn ai? Thật là khó!
Và
rồi thì cũng phải chọn. Chẳng hạn từ 90 hồ sơ, lần thứ nhất loại 30 hồ sơ, lần
thứ 2 loại tiếp 20 hồ sơ, lần thứ 3 loại 10 hồ sơ … để chọn những hồ sơ cuối cùng. Nâng lên,
rồi hạ xuống, rồi cũng phải quyết định chọn những hồ sơ cuối, quét và gửi đi,
rồi những hồ sơ gửi đi lại có người được, người không được. Cầm trong tay danh
sách trao học bổng rồi mà còn rằn vặt mãi. Thôi thì đành “vì khả năng của chúng
ta có hạn”.
Khi
viết vài dòng tâm sự đầy ngẫu hứng và còn rất lộn xộn này, tôi luôn mơ ước có
một ngày mai, quỹ học bổng Đồng Hành đến được với tất cả các bạn sinh viên đang
có hoàn cảnh khó khăn vẫn vươn lên trong học tập và cuộc sống và hơn thế nữa
tôi mong rằng tất cả sinh viên - những trí thức trẻ Việt Nam sẽ ra sức học tập để
lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh để ngày mai đây sẽ
không còn sinh viên nào khó khăn trong cuộc sống và bước đường học tập của
mình.
13/4/2005